CHÙA KIM GIANG

Chùa Kim Giang, tên chữ là Thiên Phúc Tự, tên Nôm là chùa Lủ, thuộc địa phận phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Trước đây, Kim Giang thuộc xã Kim Lủ, tổng Khuông Đình, huyện Thanh Trì.

Chùa Lủ cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thờ Phật và chư vị Bồ Tát theo phái Đại thừa, tông phái Tào Động, một tông phái lớn của Phật giáo Việt Nam.

Chùa Lủ tọa lạc bên cạnh đình và đền Kim Giang, hướng quay ra bờ sông Tô Lịch – con sông gắn với địa danh Thăng Long – Hà Nội. Chùa bao gồm các hạng mục: Tam quan, tiền đường và thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu. Tiền đường chùa Lủ gồm 5 gian 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp bằng ngói ri. Chính giữa bờ nóc là bình nước cam lồ có gắn mảnh sành, cuối hai bờ nóc là đấu đinh có đỉnh đắp nụ sen, nối với hai cấp ra đấu khác có dạng trụ biểu. Từ đầu tường hồi có bức tường lửng nối ra hai trụ biểu lớn được kiến tạo gồm các phần: đỉnh trụ là tứ phượng chụm, ô lồng đèn khắc tứ linh, thân trụ được soi gờ chỉ và khắc chữ Hán, đế trụ có dạng cổ bồng.

Vào bên trong, tương ứng với các gian là các bộ vì liên kết theo cách thức thống nhất kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ chồng rường côn bảy hiên”. Các con rường được chạm khắc khá tinh tế với đề tài chủ yếu là lá lật, vân sóng nước. Các bức cốn tại hiên Tiền đường chạm nổi tứ quý với hình ảnh hoa sen khá nổi bật được thể hiện tập trung cho thấy sự khéo léo của nghệ nhân xưa. Ngoài những mảng chạm trên, khá đặc biệt tại ngũ cấp dẫn lên tiền đường chùa Lủ, ứng với gian giữa là đôi rồng đá có dạng sóng nước, giữa là một phiến đá có tiết diện khá lớn, chạm khắc nổi hình tượng cửu long quần tụ khá sinh động.

Nối với gian giữa tiền đường là 3 gian thượng điện trên mặt bằng chữ Đinh. Các bộ vì của hạng mục kiến trúc này được liên kết theo cách thức tương tự như các bộ vì tại tiền đường. Đặc biệt tại đốc hậu, phần tường sau thượng điện có gắn những chữ Hán bằng chất liệu gốm xanh là những điều răn của đạo Phật đến các kiếp đời, hãy sống hướng tới cái thiện, loại trừ những cái ác. Bên cạnh những nét nổi bật về kiến trúc, giá trị nghệ thuật của chùa Lủ còn được thể hiện qua hệ thống di vật, chủ yếu là những pho tượng bằng chất liệu gỗ.

Tượng chùa Lủ không chỉ là sự hiện diện của các nhân vật của tôn giáo Phật giáo mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị, được thiêng hóa, mang linh hồn của từng nhân vật đã trải qua các cấp độ tu hành khác nhau. Ở vị trí cao nhất trên Phật điện là ba pho Tam Thế trong tư thế ngồi thiền kiết già trên đài sen, hàng thứ hai là tượng Adiđà, hai bên là nhị vị Bồ tát, hàng thứ ba là tượng Thích Ca Niêm Hoa, hai bên là tượng Anan và Ca Diếp trong tư thế đứng, hàng thứ ba là tượng Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tiếp theo là tượng Phạm Thiên và Đế Thích. Hàng thứ năm là tòa Thích Ca Cửu Long, hai bên và thấp hơn là tượng Thổ Địa và Giám Trai. Ngoài các tượng trên Phật điện, tại Thượng điện chùa Lũ còn có sự hiện diện của tượng Quan âm Tọa Sơn bên sườn trái, sát tường sau thượng điện; bên phải là tượng Quan âm Chuẩn Đề. Tại tiền đường, hai bên lối vào thượng điện là hai vị hộ Pháp trong tư thế của hai võ tướng, ban thờ bên trái là tượng Thánh Tăng, bên phải là tượng Đức ông. Cũng tại tiền đường chùa còn có hai dãy tượng Thập điện Diêm Vương trong tư thế ngồi trên bệ nhị cấp…

Nhìn chung, mỗi pho tượng tại chùa Lủ đều được các nghệ nhân chạm khắc khá cầu kì, tỉ mỉ, chau chuốt từng chi tiết, diễn tả được những đặc trưng và tính cách của từng nhân vật đã hóa thân thành tượng. Trong số các pho tượng của chùa Lủ, nổi bật là pho Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trên phật điện, được tạc trong tư thế ngồi thiền trên đài sen. Pho tượng này được xem như là một chuẩn mực, thể hiện sự hài hòa cân đối về tỉ lệ, sự tinh tế các kỹ thuật chạm khắc và sơn thếp của các nghệ nhân. Về hình tượng, Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được chạm với đầu đội mũ Thiên Quan, khuôn mặt hiền từ với đôi mắt khép hờ, miệng thoáng nụ cười, tai có bầu tròn và chảy dài. Tượng với 8 đôi cánh tay đều cầm pháp giới, một đôi tay kết ấn chuẩn đề trước ngực và một đôi đặt trên lòng đùi. Tượng có niên đại phong cách nghệ thuật thế kỉ XIX.

Ngoài các pho tượng nêu trên, tại nhà tổ chùa Lủ còn có tượng tổ Đạt Ma và tượng tổ chùa; nhà mẫu có tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị tôn ông, tượng Cô Cậu, tượng Bà và tượng Đức Thánh Trần. Bên cạnh đó, chùa Lủ hiện còn lưu giữ được nhiều di vật bằng các chất liệu khác nhau như: bia đá có niên hiệu Dương Đức 3 (1674) ghi việc nhân dân góp công sức tu sửa chùa, các bức hoành phi, cuốn thư, cửa võng, câu đối, nhang án… trong đó, bức hoành phi treo tại nhà mẫu đề “ứng hiển thông linh” có ghi niên đại Nguyễn – Khải Định.

Có thể nói, từ ngày khởi dựng đến nay, chùa Lủ không chỉ là một trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Đại Kim và du khách thập phương, mà còn là nơi người dân đến, thắp nén tâm hương, cầu mong sự phù trì, bảo trợ tinh thần rồi tự mình soi rọi mình, hướng tới cái chân – thiện – mỹ. Bởi “khuyến điều thiện, trừ điều ác” là bức thông điệp mà mỗi ngôi chùa Việt nói chung và chùa Lủ nói riêng muốn gửi tới mỗi người, đồng thời là nét đặc trưng, tích cực của Phật giáo mà người Việt từ xưa đã nhận thấy và tin theo.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Kim-Giang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua kim giang.docx”]

Hits: 2046

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *