MIẾU GÀN

Miếu Gàn nằm ở số 89 phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Miếu Gàn được xây từ thế kỷ 18 trên một khu đất rộng rãi, cao ráo ở phía nam hồ Linh Đàm; đến cuối thế kỷ 20 còn nằm giữa cánh đồng thôn Bằng Liệt, thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì. Trải qua nhiều lần trùng tu, di tích hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Cổng miếu nhìn về hướng đông-nam và ở ngay mặt con phố Linh Đường mới mở. Tam quan gồm ba cổng đều có mái lợp ngói ta với các đầu đao cong vút.

Sau tam quan có chiếc cầu ngắn bắc qua lạch nước nhỏ và dẫn du khách vào một sân gạch rộng. Bên trái sân có một nhà bia, xa hơn là nhà sắc 3 gian có cổng phụ cũng mở ra phố Linh Đường. Miếu Gàn nằm ngay phía trước sân nhưng quay sườn ra tam quan. Miếu nhìn chếch về hướng bắc, cách ly với ao sen và đồng ruộng bởi một bức bình phong với 4 trụ biểu. Ở giữa là sân gạch nhỏ hơn, có hai cây muỗm cổ thụ che mát.

Toà tiền tế rộng 3 gian, được kết nối với toà thiêu hương và hậu cung theo hình chữ “Công”. Phía bên trái miếu lại có một sân nhỏ nữa và khu thờ phụ. Nhờ lần trùng tu mới đây, những công trình nói trên cùng các cây cối um tùm đã làm nên một thắng cảnh ở ngay cạnh công viên Linh Đàm. Giao thông qua hai ngả đều thuận tiện: cuối phố Linh Đường là khu đô thị mới với nhiều tuyến xe bus, còn đầu phố thì có bến xe Nước Ngầm và quốc lộ QL1A.

Miếu Gàn đi đôi với câu chuyện “Thần Chằm Lâm Đàm” được chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái”. Sử sách cho biết vùng này vốn có ngôi trường nổi tiếng của Chu Văn An. Truyền thuyết kể rằng khi ông đang dạy ở đây có một chàng trai cử chỉ ngôn ngữ khác người đến xin làm học trò. Thầy nhận lời, sau thấy anh ta học giỏi lại chăm chỉ bèn để tâm tìm hiểu. Một buổi sớm tinh mơ chợt bắt gặp chàng từ dưới nước đi lên, Chu Văn An đoán là thần.

Rồi bỗng nhiên gặp đại hạn, khắp nơi lập đàn cầu đảo mà không ứng nghiệm. Chu Văn An thương dân đành phải nhờ chàng. Lúc đầu anh thoái thác, sau quá nể thầy mới nhận lời giúp và nói thật rằng mình sẽ bị trời phạt. Chàng liền từ biệt và quả nhiên đêm đó mưa to. Ruộng đầy nước thì một tiếng sét nổ ầm, mưa tạnh ngay.

Sáng ra dân vớt được xác một con thuồng luồng nổi lên ở Đầm Mực. Chu Văn An nghĩ rằng chàng đã hy sinh nên đau xót cùng dân làm lễ an táng trọng thể rồi lập đền thờ.

Từ khi có ngôi Miếu Gàn, các triều đại phong kiến liên tiếp đều ban đạo sắc cho dân thờ và phong là thượng đẳng thần Bảo Ninh Vương. Miếu tuy không thật lớn nhưng bên trong có nhiều mảng chạm khắc đẹp mang dấu ấn của nghệ thuật các thời Lê-Nguyễn. Ngoài ra hiện còn giữ được một bộ sưu tập cổ vật quý gồm hương án từ thế kỷ 18, các khám thờ, long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối và bát nhang từ thế kỷ 19. Ngày 11-9-1993 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Miếu-Gàn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: mieu gan.docx”]

Hits: 5228

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *