ĐÌNH ĐÔNG THIÊN

Đình làng Đông Thiên được lập năm 1471, thờ một vị vua người Champa và vợ ngài nằm ở ngõ 200 Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Theo Ngọc phả lục do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572, Quản giám bách thần Nguyễn Hiền sao lại năm 1750 cho biết: thời Trần, thành Thăng Long đã ba lần bị quân Chiêm tàn phá. Sang thời Lê, tháng 8 năm Canh Dần (1470), vua Chiêm đem 10 vạn quân thủy bộ đánh úp Châu Hóa (Thừa Thiên). Vua Lê Thánh Tông bèn soạn Bình Chiêm Sách, công bố 10 điều tất thắng và 3 điều đáng ngại rồi tự dẫn đại binh vào nam, đánh thắng. Tháng 5, vua về đến Thăng Long, sau khi tổ chức mừng thắng lợi và tế lễ ở Thái Miếu, vua xuống chiếu: phàm tù binh bắt được, hiện giam ở đâu thì cho lệ thuộc ở đó. Tại những nơi đất công còn hoang dã thì cho tù binh khai phá để trồng cấy mà sinh sống. Huyện Thanh Đàm (sau đổi là Thanh Trì) bấy giờ có vùng đất màu mỡ, người Chiêm đã tới lập nghiệp tại đây. Nhà vua cho họ lập đền thờ vua cũ là Nha Cát và công chúa Nguyệt Nga (vợ ông) cũng được phối thờ tại đó; lại đặt tên đất ấy là Vĩnh Hưng Trang. Đến năm 1740, vua Lê Hiển Tông lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Hưng, do húy kỵ nên Vĩnh Hưng Trang phải đổi thành xã Vĩnh Tuy.

Xã Vĩnh Tuy trước kia gồm 5 thôn: Thượng, Đoài, Tân Khai, Đông Thiên, Trung Lập. Trên nền ngôi đền thờ vua Chiêm nhân dân thôn Đông Thiên đã dựng đình làng, tên chữ “Phúc Khánh Từ”. Năm 1956, thôn Trung Lập nhập về xã Lĩnh Nam. Năm 1982, thôn Đoài nhập vào nội thành để lập phường Vĩnh Tuy, thuộc quận Hai Bà Trưng. Ngày 1-1-2004, quận mới Hoàng Mai thành lập, xã Vĩnh Tuy trở thành phường với tên cổ Vĩnh Hưng. Dân số hiện có hơn 32.000 người sống trên diện tích 175 ha.

Tọa lạc trong một khuôn viên rộng, đình và đền Đông Thiên quay về hướng tây-bắc. Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND thành phố đã đầu tư 500 triệu đồng để dựng lại đình. Năm 2015 đình lại được trùng tu nâng cấp và vẫn giữ được phần lớn dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn với tòa đại bái 3 gian 2 chái. Bên trái sân đình có xây thêm một dãy nhà hữu mạc rất dài.

Cổng đình xây kiếu nghi môn tứ trụ với 2 cửa phụ, nhìn ra một giếng to, thành giếng bao quanh bằng đá xanh, có cầu ao. Bên tả đình là ngôi đền thờ Mẫu với tiền tế cũng 3 gian 2 chái, áp sát mặt sau tòa phương đình 2 tầng 8 mái. Trước sân còn có lầu Cô, lầu Cậu cũng 2 tầng 8 mái, đứng đối diện ở phía sau tượng Quan Âm (?) và hòn non bộ. Đình và đền đều được kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Bên phải sân đền là dãy tường gắn các bia ghi công đức.

Hiện nay, trong đình Đông Thiên vẫn giữ được nhiều cổ vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18. Đặc biệt có cỗ kiệu Ông và cỗ kiệu Bà; một bộ quán tẩy chạm trổ rất đẹp với hình 5 chim phượng và 9 con rồng uốn lượn ở các tư thế khác nhau cùng long mã đứng trên lưng rùa. Ngoài ra còn có 7 sắc phong thần của các triều Lê và triều Nguyễn.

Ngày 09-01-1990, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình và đền Đông Thiên là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hằng năm tại đình diễn ra một lễ hội nhỏ vào ngày mùng 2 tháng Chín (âm lịch) và một lễ hội lớn vào ngày mùng 8 tháng Mười, trong dịp này còn có thi bơi chải trên sông Hồng. Đầu năm vào ngày mùng 1 và 2 tháng Hai, dân làng còn rước lễ vật về đình thôn Thượng tham gia hội vùng Vĩnh Hưng, mở đầu bằng lễ rước nước trên sông Hồng.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Đền-Đông-Thiên.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh den dong thien.docx”]

Hits: 2303

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *