MIẾU BẢN

Tiên Dung khi dạo mát trên sông Hồng qua địa phận Kim Lan rồi mới đến Chử Xá (Văn Đức) lập trại nghỉ ngơi, sau đó gặp Chử Đồng Tử kết duyên chồng vợ.

Địa bàn Kim Lan cũng là một trong những nơi nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã đi qua để vượt sông Hồng sang Hà Nội tiếp tục truy quét quân thù vào những năm đầu công nguyên, khi Hai Bà Trung phất cờ khởi nghĩa.

Cũng như bao mảnh đất trên dải đất vùng châu thổ sông Hồng, một phần không thể thiếu trong mỗi làng quê là những ngôi đình, ngôi chùa, ngôi miếu. Kim Lan có chùa thờ Phật, có miếu để thờ thần bản thổ và cũng là vị thần hoàng của làng (gọi là miếu Bản). Miếu Bản đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2003.

Miếu Bản được xây dựng từ bao giờ, tới nay chưa xác định được chính xác bởi chưa có tư liệu nào ghi chép về niên đại khởi dựng của di tích. Tuy nhiên căn cứ vào khối kiến trúc vật chất cùng dòng chữ ghi trên câu đầu thì di tích được trùng tu lớn vào năm Bảo Đại (1933).

Công lao và ân đức của vị thần đã được ghi chép cẩn thận và được lưu truyền đến muôn đời có thể tóm tắt như sau: Ông Thạch Việt – Nguyễn Tôn Thần quê gốc ở Quảng Tín -Thương Ngô, vùng núi Tản Viên. Cha mẹ ông là người giàu có, hào hiệp nhưng tuổi ngoài bốn mươi vẫn chưa có con. Trong lòng buồn phiền, ông bà thường đến các đình, chùa, miếu để công đức tiền của, làm nhiều việc thiện. Một ngày trời quang, trăng sáng, bà vợ chợp mắt ngủ, bỗng thấy cụ già râu tóc trắng xoá, tướng mạo đường hoàng ngồi ở trên chùa, theo sau có tới vài chục người giống như các vị la hán đứng hầu hai bên. Cụ già vời bà vào và bảo: Vợ chồng nhà ngươi đều là người tốt, trời không phụ lòng. Ta vâng mệnh thượng đế sắc cho nhà ngươi một đứa con phật….Tự nhiên bà thấy một đứa trẻ hiện ra, vui vẻ đứng ở sân chùa, bà kinh ngạc choàng tỉnh. Từ đó, bà có mang rồi sinh hạ một người con trai mặt vuông vóc, hình dạng khôi ngô như con phật. Ông bà vui mừng bèn lập đàn lớn để tạ lễ thần phật. Đến tuổi lên ba, cậu chỉ ở trong chùa nên ông bà đặt tên con là Thạch Việt. Năm 12 tuổi, Thạch Việt đã tinh thông các sách và võ thuật.

Sau khi cha mẹ mất, ông để tang ba năm rồi từ biệt xóm làng cùng vợ là Trần Thị Khát đem tất cả sách vở cùng nhau đi về phía đông nam. Trên đường đi, qua xã Kim Lan thấy nơi đây lúa má tốt tươi, nhân dân giàu có bèn xin ngụ vào làm nhà sư ở chùa. Chồng thì tụng kinh niệm phật, dạy học, vợ thì may thuê vá mướn, cày cấy. Năm ất Tỵ thứ 10 đời vua Lý Cao Tông, triều đình mở khoa thi tuyển chọn người tài, ông Thạch Việt cùng 4 người nữa được bổ sung vào nội thị trong kinh. Năm ất Mão (1195) thi tam giáo được đỗ xuất thân, ông lại ứng thi võ được bổ làm Trung vệ Đại phu. Năm Mậu Thìn (1208)giặc Hán ở Châu Quốc Oai cướp bóc làng Thanh Oai và bọn Phạm Du ở Nghệ An làm phản. Ông vâng mệnh triều đình cùng Phạm Bỉnh Dị đem quân đi dẹp giặc ở hai nơi. Do có công với nước nên vua đã phong cho ông là Huyết Thực Phúc Thần, ban sắc, ban mỹ tự cho những nơi mà lúc ông ở làng ấp đó được lập miếu thờ. Qua các triều đại, ông được phong là Đương Cảnh Thành Hoàng Thạch Việt Phổ Phúc Linh Thánh và vợ là Vĩnh Phúc Khát Hòa phu nhân, ông bà được nhân dân thờ ở đình Kim Lan và Miếu Bản

Miếu Bản có quy mô vừa phải, nằm gần chùa Kim Lan tạo thành một quần thể di tích kiến trúc độc đáo của làng. Công trình kiến trúc được bố cục hài hoà, cân đối kết cấu dạng chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung.

Tiền tế là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, phía trước trổ ba cửa vòm, phía trên đắp nổi hình cuốn thư đề ba chữ Hán “ Tối linh từ”. Trên cuốn thư đắp hình rồng chầu mặt trời, phía dưới sát vòm cửa đắp nổi hình “tứ quý”.

 Sát hai hồi hiên là hai trụ biểu cao, đỉnh trụ đắp nổi hai sư tử hướng đầu vào nhau, dưới là các ô lồng đèn để trơn không trang trí, thân trụ tạo hình vuông để đắp nổi các đôi câu đối. Bộ khung được kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”. Mặt bằng bốn hàng chân cột, đầu các con rường đều được chạm hoa lá, các đấu kê hình hoa sen. Phía trên gian giữa treo bức đại tự “ Hộ quốc an dân”, dưới là bức cửa võng sơn son thiếp vàng chạm lộng, chạm thủng với các đề tài rồng chầu mặt trời, tứ linh, tứ quý, hai bên treo đôi câu đối. Phía dưới đặt một hương án gỗ, hai bên có hai hạc gỗ đứng và bộ bát bửu.

 Hậu cung gồm ba gian, mái đổ bê tông cột chốn, các cửa để dạng bức bàn hai gian bên đặt bộ kiệu bát cống và kiệu long đình, gian giữa xây bục cao làm nơi đặt ngai thờ của thành hoàng bản thổ.

Tồn tại đến ngày nay, di tích còn bảo lưu được những mảng chạm khắc đẹp mang đậm phong cách thời Nguyễn. Đặc biệt, Miếu Bản còn lưu giữ được nhiều di vật tiêu biểu về thể loại và chất liệu như đồ gốm sứ, đồ đồng đáng lưu ý là các di vật bằng gỗ mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu thời Nguyễn và phong cách nghệ thuật thế kỷ XX: ngai thờ, kiệu bát cống, kiệu long đình, ngựa gỗ, hương án, hoành phi, câu đối, cửa võng, bộ bát bửu…được chạm khắc với các đường nét bay bổng, mềm mại, uyển chuyển. Tất cả đều tạo cho di tích một vẻ đẹp vừa trang trọng, vừa linh thiêng nhưng vẫn gần gũi với đời thường.

Miếu Bản là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng tâm linh của người dân Kim Lan, với tấm lòng thành kính, biết ơn đối với vị thần bản thổ của làng. Hàng năm vào các ngày sinh, ngày hoá của thần, nhân dân Kim Lan đều mở tiệc chay dâng ngài, cầu mong mưa thuận gió hoà cho đời sống của nhân dân ngày thêm no ấm. Ngoài các ngày đó, hàng năm hội làng Kim Lan được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng (âm lịch) với phần lễ trang nghiêm và phần hội là các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, múa sinh tiền,….

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Miếu-Bản-Kim-Lan.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: mieu ban kim lan.docx”]

Hits: 494

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *