ĐÌNH YÊN MỸ

Đình Yên Mỹ, xã Dương Quang là tên gọi theo địa danh làng, ngoài ra đình còn có tên gọi là đình làng Đầu (theo tên Nôm của làng).

Theo các nguồn tư liệu hiện còn thì đình Yên Mỹ thờ thành hoàng làng là Quảng Độ Đại vương, người có nhiều công lao, ân đức đối với nhân dân địa phương. Sự tích và lai lịch của thần được tóm lược như sau: “Ngài sinh ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Dần và hoá ngày 12 tháng 10 thần là người có công dạy dân văn tự, lễ nghĩa nên thời nhà Hán phong cho ngài là Liệt Hầu Công. Sau đó ngài đến trại Thuần Khang (tức Yên Mỹ ngày nay) thấy nơi đây đất đẹp, sơn thủy hữu tình nên ngài ở đây mở trường dạy học được một năm, sau có giặc làm loạn, vua phong cho ngài làm Bản Châu Thái Thú để đi bình giặc. Lúc đó ngài chọn 35 trai tráng tại trại Thuần Khang làm gia thần thủ túc, viết hịch đưa đến các quận, phủ. Chỉ trong một ngày khiến quân phản loạn phải lui. Khải hoàn trở về, ngài mổ lợn, bò khao quân lính và tế thiên địa, bái yết thành hoàng bản trại, dạy dân lấy đức vọng, dân thấy vậy bèn xin ngài lấy chỗ ngài dạy học xây đình thờ. Đêm ấy, ngài nằm mộng thấy người con gái báo mộng đi từ phía đằng Bắc bản trại xưng là thần nữ Hoàng Nga thờ ở miếu báo cho ngài biết quân nhà Hán sắp đến vây đức thần bản trại rồi biến mất. Tỉnh dậy đi đến nơi quả nhiên thấy quân Hán đang vây bản trại thật. Ngài vào trong gọi quân lính đến và nói rằng “Lòng người đều giúp ta, quân tướng hãy cố sức đánh quân nhà Hán” chỉ một trận đã thắng được quân giặc, sau đó ngài cưỡi ngựa về châu- phủ và bảo gia thần trại Thuần Mỹ rằng “ ở làng có thần nữ rất thiêng, ngày sau có trọng mạnh gì thì phải phụng nghênh thần nữ về cùng phối hưởng”. Mấy ngày sau thì ngài hoá, nhân dân sợ hãi bèn làm biểu dâng vua, vua ban sắc cho thần làm phúc thần, cho dân phủ lập miếu thờ”. Trải qua các thời đại phong kiến, thần đều được các triều đình ban tặng sắc phong để biểu dương công tích.

Theo các cụ trong làng kể lại thì đình được khởi dựng từ thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Đình Yên Mỹ tọa lạc ở giữa khu trung tâm cư trú của làng có quy mô kiến trúc khang trang trong một khuôn viên khá rộng, thoáng. Xưa kia đình gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau tạo thành một tổng thể kiến trúc khép kín, hoàn chỉnh theo lối kiến trúc “chữ công” gồm tam quan, sân đình Thượng, đình Hạ, toà ống muống nối giữa đình Thượng và đình Hạ, xung quanh có tường bao và ao đình. Song có nhiều nguyên nhân mà ngôi đình Hạ không còn. Kiến trúc của đình Yên Mỹ ngày nay chính là đình Thượng bao gồm: tam quan ngoài, tam quan trong, sân, phương đình, đại đình và hậu cung.

Tam quan ngoài xây ba cổng, cổng chính lớn hơn hai cổng bên dạng chồng diêm hai tầng mái, tầng mái trên xây gác chuông chồng diêm hai tầng tám mái giả ngói ống, các góc mái có các đầu đao cong lên phía trên. Chính giữa bờ nóc của lớp mái trên đắp nổi hình mặt trời, hai bên là hai đầu kìm, phía trước trổ ba cửa. Phần ngăn giữa mái trên và mái dưới đắp nổi hình rồng chầu mặt trời, dưới đắp ba chữ Hán “An Mỹ môn”, hai bên cổng hai trụ biểu cao, đỉnh trụ đắp hình bông sen, dưới là các ô lồng đèn trang trí tứ quý, thân trụ đắp các đôi câu đối bằng chữ Hán. Hai cổng bên kiểu mái bằng, hai trụ biểu hai bên đắp hình bốn chim phượng cụm đuôi vào nhau tạo thành hình trái giành cách điệu, các ô lồng đèn bên dưới để trơn không trang trí, thân các trụ biểu cũng đắp các câu đối bằng chữ Hán.

Tam quan trong cũng xây ba cổng, cổng chính có hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp hai nghê chầu vào nhau, các ô lồng đèn bên dưới để trơn, thân trụ cũng đắp câu đối. Hai cổng phụ xây dạng chồng diêm hai tầng tám mái, phần phía dưới mái viết chữ Hán. Hai bên cổng phụ cũng xây hai trụ biểu trang trí và bố cục giống như hai trụ biểu ở cổng chính. Nối giữa cổng chính và cổng phụ của tam quan trong là các bức tường đắp nổi hai con voi chầu vào nhau, dưới là các hoa lá…

Phương đình là bộ phận kiến trúc nhỏ theo dạng chồng diêm hai tầng tám mái, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ nóc trang trí hình rồng chầu mặt trời, tám đầu đao đắp các đầu kìm uốn cong, lòng nhà hẹp để trống xung quanh tạo sự thoáng đãng cho kiến trúc.

Đại đình được xây cao hơn so với xung quanh, các bậc tam cấp được bó vỉa gạch. Nhà gồm ba gian hai chái kiểu bốn mái với các đầu đao cong tạo thành hình rồng, lá cách điệu, kiểu mái làm tăng thêm sự quang, thoáng để tạo cảm giác nhẹ nhàng bay bổng cho toàn bộ khối kiến trúc, phía trước trổ ba cửa bức bàn, cửa chính làm dạng panô, hai cửa bên theo dạng ván bưng đóng kín, lòng nhà làm dạng hình thuyền dùng làm nơi tế lễ, các gian bên được tôn nền cao hơn làm nơi hội họp việc làng. Mái đình lợp ngói di, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh không trang trí, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, bốn góc mái đắp các đầu đao cong, phía trước xây các bậc tam cấp bó gạch, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Hai chái nhà đại đình làm hệ thống kẻ chuyền trụ trốn để đỡ mái hồi. Trên thượng lương đại đình có ghi dòng chữ “Hoàng triều Thành Thái ngũ niên trùng tu đổng vũ quý tỵ trọng xuân cát nhật thánh trụ thượng lương”.

Hậu cung được phục dựng lại năm 1995 gồm một gian, hai chái và theo kiểu tường hồi bít đốc, mái đổ bê tông, bộ khung là các vì bằng bê tông làm dạng giả vì gỗ, không trang trí.

Các công trình kiến trúc tuy mới được khôi phục lại trong những năm gần đây nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của kiến trúc cổ truyền thống với cách bố cục đăng đối, hài hòa cùng cảnh quan môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, ta còn gặp các mảng trang trí trên các di vật của đình như: kiệu, long ngai, bộ bát bửu, y môn, cửa võng, văn bia, chuông…với hình thức chạm nổi các đề tài tứ linh, tứ quý…tất cả đều được sơn son thếp vàng nhằm làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho di tích.

Hiện nay trong di tích còn bảo lưu được nhiều mảng chạm khắc đẹp mang những nét đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Bộ di vật đa dạng, phong phú gồm nhiều chủng loại như: cửa võng, hoành phi, câu đối, ngai thờ, hương án, đỉnh đồng, đôi hạc đồng… mang đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc truyền thống. Sự hiện diện của các di vật trong di tích đã làm tăng thêm giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật cho di tích góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Hàng năm, đến ngày 13 tháng 3 âm lịch, dân làng Yên Mỹ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao, ân đức của vị thành hoàng làng. Hội làng được tổ chức vào ba ngày 12,13,14 tháng 3 âm lịch. Trong ba ngày tế lễ thánh, rước long đình, bát bửu… từ đình làng ra miếu thờ Hoàng Nga công chúa, rước sang đình làng Khoai, đình Liễu Khê rồi lại rước về. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

Với những giá trị về mặt văn hóa, khoa học, lịch sử và kiến trúc, đình Yên Mỹ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc năm 2007.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Yên-Mỹ-Dương-Quang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh yen my duong quang.docx”]

Hits: 1104

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *