ĐÌNH THÔN HẠ

Đình thôn Hạ, xã Dương Hà – di tích kiến trúc nghệ thuật được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2003. Đình còn có tên gọi khác theo địa danh xưa của làng là đình Hạ Dương.

Đình được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê để thờ vị phúc thần Điện Lợi đại vương – một danh tướng thời Hai Bà Trưng đã có nhiều công lao giúp nước dẹp giặc ngoại xâm. Theo cuốn ngọc phả của đình do Hàn Lâm Viện, thượng thư bộ lễ, đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đã nêu rõ sự tích vị thành hoàng làng là Hà Uyên, người có công giúp Hai bà Trưng khởi nghĩa giành thắng lợi và khi ông mất được Trưng Vương sai người về tổ chức tang lễ và cho phép dân làng Hạ Dương lập miếu thờ. Đến thời Đinh, ông còn phù giúp giải vây cho Đinh Tiên Hoàng khi dẹp loạn 12 sứ quân.

Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại thì ngôi đình đã được xây dựng từ rất lâu đời, trước kia đình còn ở bên kia sông Đuống. Đến triều vua Tự Đức cho khai sông Đuống làm cho dòng sông ngày càng mở rộng, ruộng đất lở xuống sông, dân làng dần dần chuyển về bên Bắc và cũng chuyển luôn cả đình, chùa đi theo. Triều vua Thành Thái (1896), dòng sông Đuống lại tiếp tục lở, dân làng lại chuyển dịch ngôi đình vào sát chân đê, như vị trí hiện nay. Ngôi đình Hạ di chuyển nhiều lần và mỗi lần di chuyển là một lần trùng tu sửa chữa. Năm 1958 ngôi đình bị hư hỏng nặng, dân làng đã phải tu sửa lớn. Năm 1993, khôi phục lại hai dãy nhà giải vũ trước đình, một bên làm nhà bia liệt sỹ, một bên làm nhà văn hóa của thôn.

Ngôi đình Hạ hiện nay được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng đãng, quay theo hướng Tây Nam bên dòng sông Đuống và nằm trong cụm dân cư của làng, bao gồm nghi môn, đại đình, trung tế, hậu cung và hai dãy nhà giải vũ. Các kết cấu kiến trúc làm theo lối truyền thống với những mây trang trí trên cấu trúc. Cổng đình xây dựng đơn giản gồm hai trụ gạch xây kiểu lồng đèn. Hai nhà giải vũ mỗi dãy ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói tây, các vì làm bằng gỗ, kiểu vì kèo suốt, quá giang vượt gối tường, giữa vì kèo có câu đối, hai trụ chốn tạo thành giá chiêng rường treo quá giang, các vì kèo liên kết bởi hệ thống xà đai thượng hạ chạy suốt ba gian nhà, dãy trái, gian giữa đắp cuốn thư, trên cuốn thư viết bài thơ bằng chữ Hán cổ:

“Xuân du phương thảo địa

                                          Hạ thưởng dục hà tri

                                         Thu ẩn hoàng hoa tiêu

Sông ngân bạch tuyết thì”

 Nhà Tiền tế gồm năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình rồng chầu mặt trời lửa, rồng được thể hiện trong trạng thái dữ. Hai đầu đốc mái đắp hình hai con kìm miệng ngậm bờ nóc đuôi xoắn vươn cao. Hai bên tường hồi vươn ra, ngoài cùng xây hai trụ biểu, kiểu lồng đèn, thân trụ có mặt cắt hình vuông, đỉnh trụ đắp tượng nghê, bốn ô lồng đèn trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Mặt trước các gian làm kiểu trấn song, hàng hiên hẹp, ứng với hai khoảng hoành, đỡ mái hiên là hệ thống bẩy, hai bẩy gian hồi và một bẩy gian bên phải không trang trí, các bẩy còn lại chạm nổi hình rồng “mai hóa rồng”. Hai gian hồi xây tường bao kín, ba gian giữa để trống thông với nhà trung tế, lòng nhà tiền tế rộng, mỗi vì có bốn hàng chân cột. Bộ khung nhà bằng gỗ gồm sáu bộ vì làm kiểu chồng rường.

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc nhà tiền tế tập trung chủ yếu ở hai bộ vì giữa, các xà chồng đấu đều chạm hình lá, hai quá giang chạm hình chim phượng, bốn đầu dư đỡ quá giang chạm nổi, chạm lộng cả đầu và đuôi rồng. Đầu rồng đựơc chạm rất chi tiết râu kiểu râu cá trê, miệng ngậm ngọc, mắt lồi, tóc chẽ…và được sơn nhiều màu gây cảm giác con rồng vừa linh thiêng, vừa đường bệ cao quý. Bốn cốn nách của hai bộ vì giữa chạm nổi, chạm lộng cả hai mặt. Các bức chạm với đề tài quen thuộc như rồng ổ long mã, trúc điểu, tứ linh, văn chữ triện, hoa lá xen kẽ nhau. Các bức chạm được sơn son thếp vàng lộng lẫy, các đầu bẩy chạm hình “mai hóa rồng”, “trúc hóa rồng”. Bốn vì kèo gian bên cấu trúc kiểu xà chồng đấu đệm xà bẩy hiên, các bẩy chạm như các bẩy hiên khác, các cấu kiện khác chạm đơn giản đường triện, đường chỉ soi xà để mộc. Hai vì đốc có bốn đầu chi hình rồng.

Toà trung tế nối với ba gian giữa nhà tiền tế gồm hai gian, hai bộ vì gỗ, các vì đều làm theo kiểu chồng rường đặt trên bốn hàng chân cột. Vì đỡ nóc làm kiểu chồng rường khít tạo thành cốn mê, đỡ mái hạ hai bên là vì nách làm kiểu “chồng rường, kẻ chuyền”. Cốn mê vì ngoài trang trí rồng chầu mặt trời, các đầu rường trang trí hình văn thực vật. Cốn vì trong chạm nổi đôi rồng chầu mặt hổ phù, phần giá chiêng chạm lộng hình văn thực vật. Hai bên vì nách, trên các thân rường bề mặt phủ kín các hoạ tiết trang trí đề tài rồng, chim phượng đang vui đùa.

Cung cấm gồm hai gian dọc nối liền với gian giữa trung tế. Gian giữa làm cửa bức bàn. Phía trên cửa có trang trí chạm thủng hình rồng cách điệu. Nhà có hai bộ vì gỗ, làm kiểu chồng rường, vì nóc gian ngoài làm kiểu cốn mê, trên mặt cốn chạm nổi, chạm bong kênh hình rồng cách điệu, văn triện, hai vì nách làm kiểu chồng rường, trên các thang rường, đấu kê chạm nổi văn thực vật với nét chạm khỏe, mập. Vì nóc bên trong làm kiểu chồng rường con nhị, hai vì nách hai bên làm kiểu chồng rường, trên thân các rường phủ kín các hình hoa văn lá lật với các đường nét to, khỏe, mập. Kỹ thuật trang trí trên kiến trúc đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX.

Đình Hạ là một công trình kiến trúc lâu đời của vùng Kinh Bắc xưa. Mặc dù qua quá trình tồn tại lâu dài, di tích đã bị di chuyển nhiều lần, nhưng qua việc tu bổ, tôn tạo phục dựng lại, ngôi đình vẫn bảo tồn được những nếp nhà cổ mang đậm phong cách truyền thống. Sự cổ kính này được khẳng định qua lịch sử ra đời và phát triển và bản thân khối kiến trúc hiện còn trên các công trình kiến trúc của đình được trang trí đậm đặc các mảng chạm với những đề tài quen thuộc và mang giá trị thẩm mỹ cao, các bức chạm này được ra đời vào hai thời kỳ lịch sử và đan xen, hóa nhập, thúc đẩy lẫn nhau, những hình rồng, nghê của thời Lê Trung Hưng được thể hiện nổi khối, mập chắc khỏe khoắn, đề tài trang trí thời Nguyễn rất phong phú, sinh động làm tăng thêm vẻ đẹp của kiến trúc.

Bộ sưu tập văn hoá lịch sử trong di tích đình thôn Hạ rất đồ sộ với nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau. Các di vật gỗ được chạm khắc rất tinh xảo và có giá trị thẩm mỹ cao như cửa võng, ngai thờ, kiệu long đình, sập thờ, bia đá có niên hiệu Vĩnh Hựu (1737). Đặc biệt là 17 đạo sắc phong thần hiện còn tại đình có niên hiệu từ triều Lê đến Nguyễn không chỉ là những di vật mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX mà còn là nguồn sử liệu quý góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành phát triển của một làng Việt cổ ở phía Bắc kinh thành Thăng Long qua các thời đại.

Đình thôn Hạ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân làng xã. Từ nhiều đời nay ngôi đình luôn có sự gắn bó mật thiết đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Hàng năm dân làng mở hội vào ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi thức trọng thể để tưởng niệm công đức của vị thành hoàng làng có công với nước, với dân. Hội làng thường diễn ra trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp với các nghi lễ tế thần rất long trọng theo đúng tập tục truyền thống của làng. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như cờ người, đấu vật, chọi gà, bơi ao bắt vịt cùng với các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc hát quan họ, chầu văn, ca trù, tuồng, chèo, hát đúm…

 Đình thôn Hạ gắn bó với một cộng đồng làng xã cổ truyền ở vùng kinh Bắc, giá trị về lịch sử, khoa học và nghệ thuật của di tích được ẩn tàng trong khối kiến trúc và bộ sưu tập di vật hiện còn đã làm cho di tích vượt ra khỏi không gian hạn hẹp của một làng quê, để hòa nhập vào khối di sản văn hóa có giá trị của dân tộc.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Hạ-Dương-Hà.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh thon ha duong ha.docx”]

Hits: 698

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *