ĐÌNH – NGHÈ KIM SƠN

Đình – Nghè Kim Sơn thuộc thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đình gắn liền với Nghè tạo thành một quần thể di tích kiến trúc hoàn chỉnh trong một khuôn viên rộng lớn.

Theo các tư liệu thư tịch sắc phong, thần phả, văn bia và truyền thuyết dân gian thì Đình và nghè Kim Sơn được dựng nên để thờ thần hoàng làng là hai anh em sinh đôi Cao Điền Công và Cao Đỗ Công là những nhân vật lịch sử dưới thời Đinh. Sau khi dẹp giặc Đỗ Công và Điền Công đã lập doanh cư thực ấp tại Kim Sơn là nơi “núi không cao như thế hổ chầu, cây cối xanh tươi, sơn thủy hữu tình…”.

Theo thần phả làng Kim Sơn do quan Quản giám bách thần sao chép lại thì vào năm Vĩnh Hữu thứ 2 (1736) triều Lê về lưỡng vị đại vương trung thần triều Đinh thì khi nam bắc phân tranh, 12 xứ quân cát cứ, nhân dân lầm than khổ cực mong có người dẹp loạn yên dân. Khi ấy ở phủ Trường An, huyện An Ninh (sau là An Khang) Châu ái có người họ Đinh tên là Bộ Lĩnh ứng lòng trời, thuận lòng người, cùng các chiến hữu đã đứng lên dẹp loạn. Có vua giỏi ắt có tôi hiền phù trợ.

Khi ấy, ở ái Châu, trang Cao Xá, có người dòng dõi trâm anh, thi thư tuyệt thế tên là Cao Trạch, vợ là Lê Thị. Vợ chồng ông là người đức độ, nhân nghĩa, cương trực xa gần đều nức tiếng. Một đêm, vợ chồng ông đang ngủ bỗng mơ thấy một người râu tóc bạc phơ, hai tay dắt hai đứa trẻ đến giao cho vợ chồng ông và nói rằng: Trời thấu hiểu đức tốt của hai người nên cho hai đứa trẻ này, ngày sau tất có tài tề thế an dân, làm rạng rỡ gia đình, tiên tổ…Nói xong, lão nhân bay lên trời. Sau đó Lê Thị có mang, ngày 12/3 năm Mậu Tuất (938), bà sinh một bọc có hai con trai tướng mạo khôi ngô, đặt tên là Điền Công và Đỗ Công. Khi hai anh em 16 tuổi, cha mẹ thấy hai con có chí lớn nên tìm thầy cho theo học. Hai anh em đã thông kinh sử, tỏ tường đạo Khổng, Mạnh, tài năng mưu lược chẳng kém gì Tôn Vũ, Ngô Khởi.

Đến năm hai anh em 18 tuổi, cha mẹ qua đời cũng là khi đất nước có loạn 12 xứ quân. Đinh Bộ Lĩnh là người văn, võ kỳ tài, có đức độ của bậc đế vương, khởi binh ở động Hoa Lư, anh hùng thiên hạ theo về rất đông, hai anh em liền tìm đến và được yết kiến. Đinh Bộ Lĩnh thấy hai người mặt mũi khôi ngô, trí tuệ hơn người liền phân Điền Công vào ban văn, Đỗ Công vào ban võ và Điền Công được phong Mưu nghĩa đại phu, Đỗ Công được phong là Thị hộ đốc lĩnh.

Sau khi dẹp loạn xong 12 sứ quân, giang sơn thu về một mối. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi xưng là Đại thắng hoàng đế, ban thưởng cho các công thần, tướng sĩ. Điền Công và Đỗ Công được ban thực ấp ở huyện Gia Lâm, hai vị phụng mệnh tìm nơi địa thế lập doanh cư. Một ngày kia, hai vị tìm đến trang Kim Sơn thấy nơi đây địa thế như rồng chầu, hổ phục, núi không cao mà đất đai bằng phẳng, nước trong xanh, nguồn lạch dồi dào, là nơi lập doanh cư hiếm có. Hai vị bèn truyền cho binh sĩ và nhân dân Kim Sơn xây dựng một doanh cư, cử hành lễ bái các thần tử. Sau đó lưỡng công chiêu mộ nhân dân ly tán không kể giàu nghèo, sang hèn, khuyến khích nghề nông, chăn tằm dệt cửi, lấy nhân nghĩa mà cố kết nhân tâm, lấy hòa thuận làm tình làng nghĩa xóm, toàn dân Kim Sơn đều chịu ơn, sướng vui dựng xây làng xóm.

Sau ba năm xây dựng, xóm làng trù phú yên vui. Triều đình nhận tin quân Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi, Vua Đinh bèn triệu Lưỡng công vào triều trao cho 5 vạn quân đi cự giặc. Lưỡng công lĩnh mệnh chia quân làm hai đường thủy, bộ đánh tan quân xâm lược Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi. Vua Đinh lưu hai vị ở lại triều làm việc. Lưỡng công dâng biểu thỉnh cầu của dân Kim Sơn xin trang Kim Sơn là nơi hưởng thần của hai vị khi trăm tuổi. Vua Đinh thấy nhân dân Kim Sơn đều cảm ơn ân đức của nhị công nên chuẩn y. Ngày 15 tháng chạp, Lưỡng công cùng gia thần Kim Sơn và quân lính ứng mộ trở về doanh trại Kim Sơn, bỗng nhiên trời nổi giông tố, Lưỡng công cùng hóa. Để tưởng nhớ công đức của Thần, nhân dân Kim Sơn viết thần hiệu, lập đền thờ cúng. Đến khi Lý Thái Tổ lên ngôi trị nước, định đô ở Thăng Long, đổi tên nước là Đại Việt. Thái tổ nghĩ tới các trung thần triều Đinh xưa đã có lòng chung nghĩa và công lao to lớn, đã phong hai vị là Đại Điền đại vương và Đỗ Công đại vương và ra sắc chỉ cho thôn Kim Sơn lập miếu, đền thờ phụng. Trải qua các đời, từ đó về sau Trần, Lê trị nước đều có sắc phong ghi công đức và phong mỹ tự cho thần, được hưởng sự cúng tế, vạn đại, trường tồn.

Ngày nay trong đình còn lưu giữ một hệ thống sắc phong của các triều đại phong cho thần hoàng làng, trong 17 đạo sắc có những sắc tiêu biểu: Chính hòa tứ niên (1683), hai sắc Vĩnh Thịnh lục niên (1710), Cảnh Hưng nguyên niên (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Quang Trung tứ niên (1793) và Cảnh Thịnh tứ niên (1796)…

Hội làng truyền thống ở thôn Kim Sơn không chỉ tưởng nhớ công của những anh hùng dân tộc, mà hội làng là mối giao lưu văn hóa giữa các vùng, các làng có quan hệ anh em, tình nghĩa. ở đây Kim Sơn là làng anh, To Khê là làng em. Lễ hội truyền thống của làng thời xưa kéo dài đến 10 ngày, vào dịp ngày sinh của nhị vị Đại Vương – thành hoàng làng 12-3 âm lịch (từ 9/3 đến 19/3). Ngày nay, hội chính diễn ra vào 3 ngày (11/3 đến 13/3 âm lịch), ngày 11/3 : tổ chức rước nước từ giếng đông của làng về đình làm nước cúng trong ngày lễ và cả năm; ngày 12-3: dân làng tổ chức rước bài vị của hai Đại Vương từ Nghè, nơi các vị an tọa hàng ngày. Đoàn rước gồm 11 khối, sau là các cụ bô lão và dân làng cùng khách thập phương. Trên đường đi kết hợp với đám rước của làng kết nghĩa To Khê rồi cùng về đình để toàn dân làm lễ tưởng nhớ công đức của hai vị và cầu mong thành hoàng làng phù hộ độ trì cho dân làng an cư lạc nghiệp, ngày càng ấm no hạnh phúc, góp phần mọi mặt xây dựng đất nước; ngày 13/3, ngày rã đám: Tổ chức rước bài vị theo đường ngược lại từ đình về nghè và làm lễ an tọa bài vị tại tư dinh của nhị vị thành hoàng. Ngoài ra, hội còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, đấu vật, bắt vịt và gần đây tổ chức các môn thể thao như bóng chuyền hơi, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, kéo co làm cho ngày hội làng thêm sôi động, vui vẻ.

Đình Kim Sơn được xây dựng trên một mặt bằng rộng, hướng nam, phía trước đình là một hồ rộng. Từ ngoài vào di tích gồm các hạng mục cổng nghi môn, sân, đại đình và hậu cung.

Đại đình làm kiểu chữ đinh với năm gian hai dĩ, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Hai đầu bờ nóc là hai đấu nắm cơm, hai bên bờ guột và bờ giải là lá hoa vân. Vì nóc kết cấu kiểu vì quá giang đơn giản đặt trên các cột trụ. Nền nhà đại đình lát gạch chỉđược tôn cao 1m so với mặt sân, bốn gian hồi được xây tôn cao hơn 40cm so với gian giữa để làm chỗ ngồi cho các giáp mỗi khi có lễ hội. ở gian giữa đại đình gắn với kiến trúc là một bức cửa võng, kín cả gian với 4 chữ đại tự lồng trong khung vuông, chiếm vị trí trung tâm của kiến trúc. Chính giữa y môn là một vòng tròn lớn với những vòng xoắn thay cho mặt trời. Những vòng xoắn này là biểu hiện của ba yếu tố: thiên, địa, nhân, đó là 3 lực lượng tạo nên thế giới. Kiểu tạo tác của nghệ thuật này mang giá trị lớn, giống kiểu tạo tác của ngưỡng cửa tòa tiền bái Văn Miếu – Quốc tử giám (ở thế kỷ 17). Trang trí trên y môn là những rồng phượng xòe cánh mà đuôi phượng là những lá hóa vân, dưới là những lá đề, hoa cỏ. Dưới y môn chính giữa đại đình còn một nhang án cao vuông vức và được chạm trổ kỹ lưỡng. Nhang án được bổ nhiều ô cân xứng, to nhỏ ken nhau trong hình thức chạm nổi, chạm bong. Thể hiện trong những ô là những đề tài hoa chanh, đồng tiền, phượng hàm thư, sóng nước, hoa cúc mãn khai, triện gấm, hổ phù, rùa cuốn thủy với những nét chạm bay bướm, phóng khoáng, quen thuộc, ít nhiều phản ánh tài năng của các nghệ nhân Việt cổ.

Hậu cung đình ba gian làm kiểu chuôi vồ, bộ khung kiểu chồng rường, nền được lát gạch, gian chính giữa là một bệ thờ cao hơn 1m, đặt các đồ thờ tự. Trên cùng, sâu nhất là bệ thờ với hai khám và hai bài vị thần hoàng làng. Hai ngai và hai bài vị đều có niên đại ở nửa cuối thế kỷ XVII. Ngai được chạm thủng, lộng với những rồng và vân mây, hoa cúc, hoa sen, phượng, sóng nước… cột tay ngai là hình con tiện với hai đầu rồng thời Lê. Bài vị kết với hình lá đề, quanh là rồng và vân mây. Chạy dọc thân bài vị là những rồng lửa, đường diềm bao quanh toàn bộ bài vị là hàng vây của sóng. Trung tâm phía trên là mặt trời tỏa đao mác điểm xuyết mây cụm…bài vị mang niên đại ở thế kỷ XVII.

Sát bên đình là Nghè làm theo kiểu chữ nhị, đằng trước là ba gian tiền tế, phía sau là ba gian hậu cung đều dựng theo hướng nam và liên hệ với nhau trong một không gian khép kín.

Tiền tế gồm ba gian đầu hồi bít đốc tay ngai, tường sau liền với hậu cung, phía trước của hai bức tường hồi xây trụ biểu cao mà đỉnh trụ cũng là tứ phượng kết hình lá lật kiểu trái giành, mái lợp ngói ta. Mặt trước để trống, có ba cửa ra vào. Bộ khung đỡ mái tiền tế có kết cấu giá chiêng chồng rường con nhị, mỗi vỉ 4 hàng chân.

Phía sau là hậu cung còn lại ba gian, có ba ban thờ. Gian giữa vẫn là đền thờ thành hoàng, hai bên còn lại là hai pho tượng được rước từ chùa “Phúc sơn tự” khi chùa bị phá hỏng. Nghè nằm sát đình và cùng trên một sân gạch rộng xung quanh là cây cảnh và cây ăn quả. Toàn bộ khu đình và nghè có tường bao khép kín với một khu vườn rộng lớn.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cho đến ngày nay, Đình – Nghè Kim Sơn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Những tấm bia đá, nhang án đá, những ngai bài vị có niên đại ở thời Lê; một cuốn thần phả được chép lại ghi niên đại năm Vĩnh Hựu (1736); 17 đạo sắc phong trong đó có nhiều sắc quý có niên đại sớm (Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh…); ba bức đại tự trong đó một bức còn ghi niên đại Cảnh Hưng thứ 6 (1745); tám đôi câu đối; hai cỗ kiệu; bát bửu có niên đại thế kỷ XVIII – XIX.

Tất cả khối lượng di vật ở nhiều thể loại đã tôn thêm vẻ đẹp của di tích, hơn nữa những di vật này còn có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật vô cùng quý giá, góp phần vào việc tìm hiểu về nền văn hóa dân gian, về truyền thống cổ truyền của dân tộc ta.

Đình – Nghè Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích Lịch sử và Nghệ thuật năm 1992.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Nghè-Kim-Sơn-Kim-Sơn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh nghe kim son.docx”]

Hits: 910

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *