ĐÌNH ĐÔNG DƯ THƯỢNG

Đình Đông Dư Thượng thuộc thôn Đông Dư Thượng, xã Đông Đông Dư, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Các nguồn tư liệu thành văn hiện còn được bảo quản tại đình như sắc phong, bia đá, long ngai, bài vị… cho biết đình Đông Dư Thượng thờ 4 vị thần thành hoàng làng đó là:

Thần Cao Sơn Đại Vương được thờ nhiều trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ý nghĩa nguyên mẫu của Cao Sơn Đại vương chính là tục thờ thần núi phổ biến ở nước ta. Truyền thuyết về vị thần phong phú và ngày càng được lịch sử hóa lên trong nhiều miền quê, sớm nhất có lẽ là truyền thuyết cho rằng Cao Sơn là con Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Sau đó trở thành bộ tướng thân cận của Sơn Tinh, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh và thủ lĩnh của tộc người Âu khi họ tấn công nhà nước Văn Lang.

Thứ hai là thần Linh Lang Đại Vương với tương truyền là con thứ tư của vua Lý Thánh Tông, người đã có công giúp vua dẹp giặc Tống xâm lược. Linh Lang Đại vương là một trong bốn vị thần của Thăng Long tứ trấn.

Thứ ba là vị thần Bạch Đa gắn với sự tích kể rằng: Chàng Ngọ và Chàng Mai là hai anh em sinh đôi quê ở động Hoa Lư, còn Bạch Đa là em họ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bố mẹ hai chàng đón về nuôi. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh nổi lên khởi nghĩa, dẹp loạn sứ quân, ba ông bèn vời ra giúp nước, phong chức Đô úy. Gặp khi giặc Ngô sang cướp nước ta, ba ông cầm quân đánh tan giặc, đến đóng đồn ở trang Đại Vi. Bất ngờ giặc Ngô đang đêm đến vây đánh, ba ông không chống lại được, chết ở xứ Đồng Miếu. Dân làng cảm phục lập miếu thờ.

Cùng phối thờ trong thần điện còn có bộ long ngai bài vị thờ thần tên Khang Trí. Theo truyền tích của nhân dân địa phương vị thần này có công cai quản, bảo vệ xóm làng, giúp yên dân nên đã được phong làm thần hoàng và thờ tại đình làng.

Đình Đông Dư Thượng tọa lạc trên một khu đất tương đối rộng ở trung tâm của thôn, xung quanh có vườn cây ăn quả và cây lưu niên xanh tốt và được bao bọc bởi tường bao xung quanh.

 Cổng đình xây liền với tường bao theo kiểu cổng nghi môn có ba cửa, cửa lớn chính giữa và hai cửa nhỏ ở hai bên, đỉnh trụ đắp trái giành, thân trụ tạo khung đắp nổi câu đối. Liền tường sang hai bên đắp nổi hai chữ Hán lớn “Phúc – Lộc” tạo vẻ tôn nghiêm cho di tích, tiếp đến là hai cổng nhỏ mái được làm chồng diêm hai tầng mái, phía trên đắp hoa văn, giữa nóc mái, là hình mặt trời. Phần cổ diêm đắp nổi chữ “tả môn – hữu môn”, phía trong ghi “thanh long – minh nguyệt”, bên dưới tạo khung ghi câu đối. Ngoài cùng là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp trái giành, thân trụ xây liền tường bao.

Phía trong cổng là khoảng sân rộng được lát gạch Bát Tràng kéo suốt chiều dài của ngôi đình, hai bên là hai dãy nhà tả, hữu mạc.

Đại đình là một ngôi nhà ba gian hai chái, nhà làm kiểu bốn mái với các đầu đao uốn cong lên trông rất mềm mại, bờ nóc đắp nổi đề tài “lưỡng long chầu nhật” trông rất thanh thoát, rồng có kích thước nhỏ, hai đầu kìm và đầu đao có trang trí lá hỏa, nghê chầu, mái nhà lợp ngói di. Nền nhà đại đình làm cao hơn sân 30cm, láng xi măng kẻ ô giả gạch. Các gian phía trước có ba cửa ra vào làm kiểu cánh gỗ ghép ván và hai cửa chữ “thọ” ở hai gian đốc.

Kết cấu kiến trúc của tòa đại đình với bốn bộ vì chính và hai phần mái chái ở hai bên. Các bộ vì đều được thiết kế theo một kiểu chung “thượng chồng rường con nhị hai kẻ và bẩy”. Mỗi bộ vì được định vị trên bốn hàng chân cột với kết cấu chắc chắn, cột được làm kiểu “thượng thu hạ thách”.

Hai vì chái làm cân xứng chồng xà trụ chốn hạ mái lẫy làm đao. Tại gian giữa nhà đại đình được bài trí một hệ thống hoành phi, câu đối, hương án…và một số đồ thờ tự với hình thức chạm lộng, chạm bong kênh, các đề tài tứ linh, tứ quý mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XX, còn lại được để trống tạo không gian thoáng rộng cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Trung tế là một ngôi nhà ba gian, hai dĩ, đầu hồi xây bít đốc, mái nhà lợp ngói ta. Kết cấu kiến trúc với bốn bộ vì kèo thiết kế theo kiểu vì kèo quá giang, chủ yếu bào trơn, không có hoa văn trang trí. Trong nhà đặt bộ kiệu long đình dùng để rước trong ngày hội.

Hậu cung làm nối với gian giữa của trung tế với hai gian nhỏ hẹp. Kết cấu kiến trúc có hai vì theo kiểu “kèo kìm, quá giang vượt cột trốn”, đầu hồi xây bít đốc. Phía trên treo y môn, giữa lòng nhà xây một ban thờ trên đặt bốn long ngai sơn son thiếp vàng …. Phía ngoài đặt một hương án trên để bát hương, đài nước và một số đồ thờ khác.

Trang trí trên kiến trúc đình Đông Dư Thượng tập trung chủ yếu ở tòa đại đình ở các đầu dư, đầu kẻ, con rường. Ngoài ra trên kiến trúc của đình còn một số mảng chạm khắc cốn mê đơn giản chủ yếu là rồng và các họa tiết hoa văn lá lật, sóng nước…Các đề tài trang trí chủ đạo là tứ linh, những con vật mang biểu tượng của sự bền vững, thanh cao, cũng giống như đất trời chuyển vận quanh năm theo chu kỷ (xuân, hạ, thu, đông) “Xuân sinh – Hạ trưởng – Thu thu – Đông tàn” không lúc nào ngừng, không có bắt đầu và không bao giờ kết thúc, tiêu biểu cho sự vĩnh hằng.

Đôi hạc thờ chân cao, cổ cao, đường nét mềm mại uyển chuyển đặt trên lưng rùa phản ánh quan niệm cổ xưa của dân gian Việt Nam: hạc, rùa là biểu tượng của sự thanh cao, bền vững, vĩnh hằng của con người với đất trời. Bát hương gốm Phù Lãng, đỉnh đồng, cây đèn, cây nến…hầu hết là những hiện vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX – XX.

Bên cạnh đó, ta còn gặp những mảng trang trí trên các đồ lễ tự như: giá văn, hương án, kiệu rước, bát bửu, biển lệnh…tất cả đều được son son thiếp vàng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho di tích. Đồng thời các di vật này đều được ăn sâu vào tâm thức tín ngưỡng truyền thống của mỗi người dân địa phương.

Trải qua thời gian tồn tại với những biến động thăng trầm của lịch sử và nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã làm cho kiến trúc di tích bị hư hỏng, thần tích của di tích bị thất lạc không còn. Tuy nhiên, hiện nay đình Đông Dư Thượng còn bảo lưu được bộ di vật văn hóa, lịch sử với nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau. Những di vật này ngoài giá trị tôn thêm vẻ đẹp của kiến trúc còn là nguồn tư liệu quý cho việc tìm hiểu về lịch sử ngôi đình và đời sống vật chất, tinh thần của một làng quê truyền thống.

Trong nhiều di vật còn lại của di tích trước hết phải kể đến 28 đạo sắc phong cho các vị thần đình làng, sắc sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2(1730), sắc muộn nhất có niên đại Khải Định thứ 2 (1927); bốn bộ long ngai bài vị được sơn son thếp vàng thuộc thế kỷ XIX – XX được chạm khá cầu kỳ, tỷ mỷ các hình rồng, phượng, mặt hổ phù, hoa dây, văn sóng nước…; một cỗ kiệu long đình, một bộ kiệu mui luyện; một bộ kiệu nước với các nét chạm thanh thoát, song mềm mại thể hiện bàn tay khéo léo của người nghệ nhân xưa; một bia tứ trụ “Phụng sự bi ký” có niên đại Chính Hòa thứ 24 (1703); sáu bia đặt hậu…Các di vật này đã gắn bó chặt chẽ với di tích và càng làm tăng thêm phần giá trị cho di tích.

Đình Đông Dư Thượng là di tích tín ngưỡng tôn giáo, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Sự tôn vinh và ghi nhớ công tích của các vị thần luôn được người dân Đông Dư quan tâm chú trọng, thể hiện qua việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm: Ngày mùng 9 tháng 2 rước nước tại sông Hồng làm lễ mộc dục; Ngày mùng 10 tháng 2 làm lễ giỗ thánh Linh Lang Đại vương; Ngày 11 tháng 2 rước văn ra ngoài đền tế Bà chúa Liễu Hạnh; Ngày 14 tháng 2 tế hóa mã; Ngoài ra còn có các ngày giỗ của các vị thần: Ngày 14 tháng 8 giỗ thần Khang Trí (Trung đẳng thần); Ngày mùng 2 tháng một giỗ thần Bạch Đa (Trung đẳng thần ); Ngày mùng 10 tháng một giỗ thần Cao Sơn (Thượng đẳng thần)

Đình Đông Dư Thượng đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng là di tích Lịch sử – Kiến trúc Nghệ thuật năm 2007.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Đông-Dư-Thượng-Đông-Dư.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh dong du thuong.docx”]

Hits: 652

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *