ĐÌNH CỔ GIANG

Đình Cổ Giang là tên được gọi theo địa danh thôn, đình c̣òn có tên Nôm là Cổ Biện, thuộc xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Đình Cổ Giang phụng thờ hai vị phúc thần là D­ương thần họ Nguyễn tên huý là Chúng Nhân và vị âm thần tên huý là Lĩnh Sơn mà công danh, hành trạng của các vị đ­ược ghi chép lại như­ sau:

Vị công thần họ Nguyễn huý là Chúng Nhân đã có công phù nhà Lê đánh giặc Minh giành lại giang sơn n­ước Đại Việt, ông sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Mão ở Th­ượng Xá, bố là Nguyễn Lạn, mẹ là Lê Thị Tố huý là Thái. Khi Lê Thái Tổ khởi binh từ Lam Sơn, truyền hịch khắp Nam bang, chiêu hiền văn tài, võ giỏi, hợp sức bàn kế sách đánh đuổi quân Minh. Ngài Chúng Nhân, nghe được thiên tử hạ chiếu cầu hiền tài bốn biển, lòng mến mộ, ông dời quê theo về với Thái Tổ. Thái Tổ vì trọng tài ông, lại thấy ông dũng mãnh hơn ng­ười, tính tình nhân ái, giỏi võ, nên sĩ tốt rất yêu mến, cử ông làm Tiền th­ượng tướng­ quân. Chúng Nhân Công lĩnh quân đi tiền đạo, tiến binh về phía Kinh Bắc, đến Cổ Biện trại thấy có địa thế tốt “long ôm, hổ ấp”, núi tuy không cao lắm nh­ưng hiểm trở, non nư­ớc hữu tình. Bèn dựng đồn sở để đánh quân Minh. Lúc ấy, phụ lão trại Đại Bái lấy làm phục lắm, bèn hành lễ xin làm thần tử. Ông bằng lòng, bèn lấy khoảng hơn mư­ời ngư­ời cư­ờng tráng trong trại theo làm gia thần. Đến thư­ợng tuần tháng hai mùa đông, ông tiếp tục lĩnh mệnh của Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh. Trước khi xuất quân ông yết bái miếu thờ vị âm thần tên húy là Lĩnh Sơn ở đền Hạ, khao sĩ tốt trong trang, sau đó cử binh đến đạo Lạng Giang, đánh một trận ở đạo Chi Lăng, bắt đ­ược Liễu Thăng, tiêu diệt đạo quân tiếp viện của quân Minh cho thành Đông Quan, buộc tướng giặc là V­ương Thông phải tuyên bố đầu hàng, chấm dứt chiến tranh xâm l­ược của giặc Minh, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ phát triển cư­ờng thịnh d­ưới triều Lê. Lê Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế, ông trở về Đông Đô đóng trại, viết tấu lên vua rằng “Giặc Minh sớm đựơc bình định cũng là nhờ vào thần linh ngầm phù trợ”. Vua bèn gia phong ông giữ chức Tể t­ướng. Sắc phong thần hiệu cho vị thần ngầm phụ trợ là Quốc V­ương Thiên tử Lĩnh Sơn linh ứng đại v­ương và sắc chỉ trang Cổ Biện sửa sang miếu thờ tự .

Chúng Nhân làm công thần ba triều, trải mọi việc nhất nhất một lòng thuỷ chung. Mùa hạ năm đó, Chúng Nhân Công quay về phía Bắc nhiệm sở, lấy đó làm thực ấp và bái tạ đất Ninh Kiều, My Động. Ngài hoá vào ngày 15 tháng 12. Sau khi nhận đư­ợc tin, vua sai ng­ười đến hành lễ phong cho là Chúng Nhân Hồng Tể t­ướng Thượng sỹ Đại v­ương. Sắc chỉ cho trang Cổ Biện đ­ược đem mỹ tự về lập đền miếu thờ phụng.

Để ghi nhớ công lao của nhị vị đại v­ương có công với n­ước, ng­ười dân Cổ Biện đã thờ hai vị làm Thành hoàng làng. Hàng năm vào ngày 12 tháng 3 âm lịch, thôn Cổ Giang lại mở hội để t­ưởng nhớ tới nhị vị đại vư­ơng.

Đình Cổ Giang nằm về phía Tây Nam của thôn, trên một khu đất cao, rộng, xung quanh có nhiều cây xanh tốt và được bao bọc bởi lớp tường xây gạch. Phía trước có ao rộng. Công trình kiến trúc của đình bao gồm nghi môn, tiền tế, hậu cung và hai dãy nhà tả, hữu mạc.

Nghi môn được xây kiểu bốn cột trụ biểu, hai trụ giữa đỉnh trụ là hình bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau quay về bốn hướng tạo hình trái giành, phần ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ linh, thân trụ bổ khung ghi câu đối. Hai cột trụ bên nhỏ hơn, đỉnh trụ đặt hai con nghê, phần dưới là ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ quý. Xen giữa hai cột trụ biểu (cột chính và phụ) là hai cổng nhỏ làm kiểu hai tầng tám mái, các góc đao uốn cong, nối liền hai bên cổng nhỏ là bức tường lửng được đắp nổi bộ tướng hộ vệ Vũ Đinh và Thiên ất và bức tranh hình voi ra trận, bên trong đắp nổi đề tài tứ linh, tứ quí. Qua nghi môn là khoảng sân lát gạch Bát Tràng.

Từ sân lên bậc thềm lát đá dẫn lên nhà tiền tế, hai bên thềm đắp hai tượng sấu miệng ngậm ngọc hướng mặt ra ngoài (với tính chất trang trí thành bậc).

Nhà tiền tế là một nếp nhà ba gian hai chái, làm kiểu nhà bốn mái, với các góc đao cong, đầu của mỗi đao tạo hình rồng hướng về nóc mái. Chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, hai bên là hai đầu kìm, giữa bờ dải là hai tượng nghê ở trong tư thế ngoảnh đầu vào nhau, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước mở ba cửa làm kiểu “thượng song hạ bản” được chạm khắc với đề tài tứ quí (tùng, cúc, trúc, mai), hai bên đắp nổi cửa chữ thọ, phía trên là cửa gió làm kiểu con tiện. Nội thất bốn hàng chân cột, có bốn bộ vì, làm kiểu “giá chiêng ”. Các góc mái có kẻ góc dài tạo sự vững chắc cho các đầu đao. Trang trí trên kiến trúc của nhà tiền tế tập trung chủ yếu vào các bức cốn và ở quá giang chạm hình cúc dây, vân mây và đề tài tứ linh, tứ quí, bình rượu và đào tiên. Tại nhà tiền tế có đôi câu đối ca ngợi về công tích Thành hoàng như:

Phù Lê hà khẩu khâm thần mộng

Cầm Liễu Chi Lăng hiển thánh công.

Tạm dịch:

“Phù Lê cửa biển thần báo mộng

Bắt Liễu Chi Lăng tỏ công thần”

Hậu cung gồm hai gian, bộ vì có kết cấu kiểu “giá chiêng”, phía trước mở ba cửa, cửa giữa làm kiểu bức bàn, bên trên là cửa gió làm bằng con tiện, hai bên là hai cửa nách làm kiểu cửa hai cánh, nền nhà cao hơn so với toà tiền tế 10cm.

Nhà tả, hữu mạc được xây cao so với sân 10cm, xây kiểu tường hồi bít đốc, mỗi dãy xây bốn gian, mái lợp ngói ta, kết cấu năm bộ vì, ba bộ vì trung tâm có kết cấu kiểu “giá chiêng, chồng rường con nhị”, hai bộ vì hồi làm theo kiểu “kèo cầu quá giang”, nền nhà láng xi măng, phía trước mở hai cửa kiểu ván bưng, hai bên trổ hai cửa sổ chấn song gỗ.

Hiện nay đình Cổ Giang còn bảo lưu được một số di vật quý như các bia đá có niên hiệu Chính Hoà 17 (1696), Cảnh Hưng 39 (1778), Tự Đức 10 (1857); 14 đạo sắc phong trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn, cùng nhiều các di vật khác như đỉnh trầm có dòng chữ “Đại Minh Tuyên Đức niên chế”, âu trầu niên hiệu Tự Đức 8 (1855), lồng đèn thông phong ghi “Ký sự Cổ Biện”, giá văn, hương án, kiệu thờ… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX và những năm gần đây.

Với những giá trị nêu trên, năm 2008 đình Cổ Giang đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Việc gìn giữ, bảo lưu và phát huy giá trị của di tích đình Cổ Giang, là biểu hiện sự trân trọng những di sản văn hoá của dân tộc. Đồng thời góp phần giáo dục và phát huy những truyền thống đạo lý tốt đẹp của ông cha, truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Cổ-Giang-Lệ-Chi.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh co giang le chi.docx”]

Hits: 677

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *