ĐÌNH – CHÙA KIM ÂU

Đình – Chùa Kim Âu là tên gọi theo địa danh thôn Kim Âu, thuộc xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Chùa còn có tên chữ là “Am Vàng tự”.

Đình – Chùa Kim Âu được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích Lịch sử – Kiến trúc nghệ thuật năm 2008

Trong quá trình tồn tại đình Kim Âu từng là một công trình kiến trúc bề thế nổi tiếng trong vùng với quy hoạch kiến trúc hình chữ “công” gồm tiền đình, phương đình và hậu cung. Khi tiến hành xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, đình – chùa bị dỡ bỏ vào những năm 1961-1968, chỉ còn nền phương đình cùng với hậu cung. Sau này các cụ và nhân dân địa phương tạm thời khôi phục di tích trên nền nhà phương đình và hậu cung. Do vậy, quy hoạch mặt bằng hiện nay của đình Kim Âu bao gồm nghi môn, phương đình và hậu cung.

Nghi môn được xây gạch kiểu hai trụ biểu, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh trụ hình trái giành, bốn ô lồng đèn dưới trang trí đơn giản, thân trụ ghi câu đối. Hai bên trụ biểu xây hai cửa nách kiều vòm cuốn giả hai tầng mái. Bên ngoài, bề mặt những mảng tường lửng được đắp tượng võ tướng và tượng voi ra trận hai bên. Sau tam quan có đường gạch nhỏ, tiếp đến là bức nghi môn đựơc đắp kiểu cuốn thư có ghi hai chữ Hán “Thái Bình”. Tiếp đó là một khoảng sân rộng lát gạch dẫn lối vào khu thờ tự chính.

Phương đình có hình vuông, mái lợp ngói ta. Trên nóc đắp hai đầu kìm đang hướng vào một mặt trời lửa, bốn góc đao đựơc làm cong, đầu đao trang trí hình đầu kìm. Đầu đốc ở hai hồi đắp nổi hình chim phượng hàm thư. Khi đình bị phá, dân địa phương xây bao bốn mặt của phương đình để làm nơi tế lễ. Nền phương đình tôn cao 40 cm so với mặt sân, mặt trước mở ba ô cửa hình chữ nhật, hai bộ vì trên đầu hồi nóc làm theo dạng cốn mê, trên bề mặt cốn trạm nổi một mặt hổ phù lớn. Mái cốn mê dưới đặt trên thanh xà ngang, một đầu ăn mộng vào thân cột, đầu kia đặt trực tiếp vào tường bao. Mặt các bức cốn phía trước phủ kín các đề tài rồng, mây, đầu dư chạm hình đầu rồng, bên trong hai cốn sau chạm hình chim phượng và hình bát bửu, phía sau chạm nổi hình mai, cúc. Toàn bộ phần kiến trúc, trang trí miêu tả bên trên đựơc đặt trên bốn cột cái có đường kính 30cm kê trên chân tảng đá hình trụ tròn. Chính giữa phương đình bên trên là bức đại tự có ba chữ Hán: “Thượng đẳng từ”, bên dưới là bức cửa võng có ghi “Thánh cung vạn tuế” được sơn son thếp vàng với đề tài trang trí “tứ linh, tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai), và hình dơi ngậm chữ thọ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Phía dưới là một hương án kích thước 220x150x95cm.

Cung cấm là một nếp nhà ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Mặt ngoài tường hồi đắp nổi hai mặt hổ phù lớn. Các bộ vì đỡ mái gồm hai loại: hai vì hồi làm đơn giản kiểu “ vì kèo quá giang”, hai vì giữa kiểu “chồng rường giá chiêng”, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn, đóng bén. Nền cung cấm lát gạch Bát Tràng, mặt trước mở ba cửa nối với phương đình. Khoảng rộng giữa bốn cột cái của hai vì làm sàn gỗ cao 1m80, trên sàn đặt long ngai, bài vị của thành hoàng. Sát tường hồi có hai bệ thờ quan bộ.

 Gắn với mỗi một ngôi đình không thể không nhắc đến vị thần được dân làng tôn vinh là thần hoàng, vị thần đó sẽ chở che, bảo vệ và mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc đến với mỗi nhà, mỗi gia đình. Đình Kim Âu thờ thành hoàng làng là Linh Lang Đại vương – một nhân vật quen thuộc trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Sự tích về nhân vật huyền thoại này được ghi chép nhiều trong sử sách và lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tại mỗi vùng quê sự tích về Ngài đều mang những tương đồng và đôi chút dị biệt của địa phương. Thần tích của đình Kim Âu là một ví dụ, nhưng ở đây thần tích của ngài chỉ được ghi lại như một sự linh ứng để bảo trợ cuộc sống cho dân làng. Sự tích của thần Linh Lang được quan nghè Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính viết vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) cho biết:

Bà Hạo Nương, được vua Lý Thánh Tông đón về lập làm cung phi, xây cung điện ở phường Thị Trại (nay là vị trí Công viên Thủ Lệ Hà Nội). Sau khi mẹ mất, bà xin phép ở lại cư táng, không dám vào triều. Hơn hai năm sau, một hôm bà ra bờ Hồ Tây giặt lụa và tơ tằm để chuẩn bị vào cung hầu vua, trong khi đương tắm, bỗng nhiên thấy một con Giao Long cuốn chặt lấy thân bà ba vòng, phun rớt rãi ra đầy người, có mùi hương thơm nức. Lát sau Giao Long ra giữa hồ, phun nước thành mây ngũ sắc bay thẳng lên không trung. Bà bàng hoàng sợ hãi vội vã quay trở về, khiếp sợ đến năm, sáu ngày không dậy nổi. Nhà vua liền sai quan đình mang xa giá đến rước Bà về cung. Từ đó Bà có mang. Khi mang thai được 14 tháng, một hôm Bà ngồi chơi ở vườn hoa, bỗng nhiên mơ màng ngủ thiếp đi, chợt mơ thấy một bậc đại trượng phu mình dài 9 thước, đầu đội mũ rồng sáng chói, mình mặc áo bào, đai ngọc rõ ràng, cưỡi mây, đạp mưa đến thẳng trước mặt Bà thưa rằng: “ Thần vốn là con trai Long Vương tên là Hoàng Lang, có lệnh cho xuất thế thác sinh làm con vua”. Nói chưa hết lời, cung phi tự nhiên tỉnh giấc. Hôm ấy là ngày sinh, tức ngày một tháng chạp năm Giáp Thìn, bỗng nhiên thấy một trận cuồng phong nổi lên, trời đất tối tăm mù mịt, gió thơm ngào ngạt ở trong phòng lan, khí lành rực rỡ ở nơi buồng sản, gió mưa ào ào kinh động trời đất, sấm sét giữ dội kéo dài suốt ngày, cho đến giờ ấy, cung phi sinh ra một cậu con trai, đứa bé mắt phượng cổ rồng, mày hùm, hàm én, hình dung to lớn, thể mạo khôi kỳ, sau lưng có 28 tinh tú, giống hệt như vây kỳ lân, trước bụng có ngôi sao Bắc Đẩu, có chuỗi ngọc phân ra như hình diệu, nhà vua dự theo mộng triệu mà đặt tên là Hoàng Lang. Ngày 20 tháng chạp, nhà vua liền mở tiệc lớn ăn mừng. Sau đó ban thưởng tiền bạc cho mẹ con Bà, rồi ban giá đưa về cung ấp sở tại (tức phường Thị Trại). Sau khi Hoàng Tử sinh đựơc một tháng bảy ngày thì bỗng nhiên có giặc Trinh Vĩnh ở phương Bắc nổi loạn kéo đến hàng vạn hùng binh âm mưu xâm chiếm đất nước. Quần thần đều bó tay, nhà vua rất lo sợ và cho lập đàn trai giới cáo tế thiên địa, lại truyền cho bách quan đi cầu đảo bách thần ở các đền thờ thượng đẳng tối linh để xin các thần âm phù giúp nước đánh giặc. Được thần báo mộng, vua sai quan đi tìm người hào kiệt trong thiên hạ. Đến Thị Trại nghe tiếng rao, Hoàng Lang đang ngồi trên sập, liền ngồi nhổm dậy, tự nhiên cất tiếng hỏi mẹ: “Xá nhân đi giao có việc gì đấy”? Bà mẹ rất đỗi ngạc nhiên, liền kể lại. Hoàng Lang lại giục mẹ mau mau mời xá nhân vào nhà. Hoàng Lang nói với xá nhân rằng: “Người hãy mau mau về báo với nhà vua xin sắm sửa cho ta một lá cờ lớn cán dài 10 thước và một con voi rồi mang lại cho ta ngay, đủ để một mình ta đánh phá giặc, xin nhà vua đừng có lo ngại gì”. Xá nhân nghe nói bàng hoàng quay trở về, tâu lại với nhà vua. Nhà vua hết sức vui mừng, ngay ngày hôm ấy liền sai mang một cán cờ lớn dài 10 thước và một con voi lớn cùng năm ngàn binh lính chiêu mộ được, đưa đến phường Thị Trại làm gia thần, ở Thủ Lệ tuyển chọn được 12 nguời. Bấy giờ phường Thủ Lệ có Lê Công Bảo và Hoa Công Hoằng làm tỳ tướng hành khiển, các họ Đinh, Nguyễn, Đặng, Trương vv… cùng đều theo giúp. Hoàng Lang nghiêng mình lắc mạnh, thân mình bỗng nhiên to lớn đến chừng 9 thước, tay cầm lá cờ lớn 10 thước nhảy lên lưng voi. Voi liền quỳ xuống đỡ lên (về sau nơi đây gọi là Đền Voi Phục). Hoàng Lang liền vung cờ thét lên “Ta là thiên tướng”. Con voi lồng lên chạy như bay, vút một cái lao như tên bắn đến thẳng đồn giặc, đánh một trận lớn. Trời đất tối tăm mờ mịt. Hoàng Lang cưỡi lên mình voi, tay phải cầm cờ vẫy mạnh, chỉ vào đám giặc. Tướng giặc Trinh Vĩnh sợ hãi lăn ra. Ngài liền chém lấy đầu treo ở dưới cờ. Quân giặc sợ hãi chạy tán loạn, quân của Hoàng Lang đuổi theo chém được hơn 300 đầu, số còn lại bị bắt sống hết cả, xe không xót một chiếc, ngựa không thoát một con. Ngài liền sai đưa về kinh đô, dẹp yên giặc giã, Hoàng Lang trở về triều báo tin thắng trận. Nhà vua nghe được tin ấy rất vui mừng, hôm ấy là ngày 12 tháng 9 cho mở tiệc lớn ăn mừng. Mấy tháng sau nhà vua ý muốn nhường ngôi cho Hoàng Lang. Hoàng Lang một mực từ chối không chịu nhận. Bấy giờ Hoàng Lang mắc phải bệnh đậu mùa sốt ba tháng, không chữa khỏi. Nhà vua tới cung của Hoàng Lang, thấy bệnh nặng biết khó qua khỏi bèn nói:

“ Nếu như khanh phải là con ta thì bệnh đậu mùa dù nguy nan đến đâu cũng có thể tự khỏi đựơc, cần gì phải đi cầu các bậc lương y tốt”.

Hoàng Lang thưa rằng: “ Thần vốn không phải là con của nhà vua, mà là con của Lạc Long Quân thác sinh vào làm Hoàng Tử do thấy thế nước gian nguy. Vậy, vâng theo thiên mệnh, thần thác sinh vào hoàng gia để giúp nước dẹp giặc. Nay giặc đã dẹp yên, thần xin đựơc trở về thuỷ quốc. Lệnh trời đã định, thần không dám dây dưa để trái mệnh trời”.

Hôm ấy vào ngày 6 tháng 2, bách quan dâng sớ tâu bày “ngài đã không phải là con của Hoàng gia thì triều đình ta đâu dám khen thưởng, nếu bệ hạ muốn trọng thưởng chẳng bằng ban cho nhân dân địa phương thờ cúng thì lòng trời cũng thuận mà thần tướng cũng sẽ phò giúp muôn đời”.

Vua chuẩn y theo lời tâu của bách quan và thực hiện mọi ý nguyện của Hoàng Lang: dựng đền thờ mẹ ở Bồng Lai và Thị Trại, lá cờ khi đánh giặc bay lên không trung đến đâu các nơi ấy đều thờ, có 269 nơi thấy cờ bay đến.

Sau đó thân ngài hóa thành con rắn trắng dài hơn trăm trượng, bò thẳng xuống Hồ Tây biến mất. Nhân dân khắp bốn biển kéo đến quan chiêm, khi ấy trời đất tối tăm mờ mịt suốt 10 ngày. Sóng nước trong hồ cuồn cuộn nổi lên (hôm ấy là ngày 10 tháng 2). Về sau ngài còn hiển linh âm phù cho vua Trần Thái Tông đánh giặc Mông Cổ (tức giặc Nguyên), được phong là “Dâm Đàm Đại Vương” và cho phép phường Thị Trại, dân Thủ Lệ thờ cúng tại đền chính.

Chùa Kim Âu nằm phía bên phải đình, là nơi thờ Phật và thờ mẫu, thờ tổ – nơi gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian truyền thống và tôn giáo được du nhập. Được xây dựng trên khu đất cao, các công trình kiến trúc của chùa được tập trung trong một khoảng không gian thoáng mát, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Từ ngoài vào là cổng chùa xây kiểu dạng cột trụ biểu, đỉnh trụ là hình bông sen, phần ô lồng đèn để trơn, thân trụ đắp đôi câu đối. Nối liền cột trụ biểu là bức tường bao. Qua cổng là khoảng sân rộng dẫn nối vào khu kiến trúc chùa chính.

Chùa chính gồm ba gian bố cục chiều dọc, mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, phía trước mở hệ thống cửa lùa, hai bên có hiên rộng 1m và hai cửa gỗ gian thứ nhất và gian thứ hai đối diện nhau. Bộ khung đỡ mái gồm bốn bộ vì, hai bộ vì giữa làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, hai bộ vì hồi làm kiểu “kèo kìm quá giang”, mái phân “thượng nhị hạ tam”. Nền nhà lát gạch men kích thước (20×20) cm.

Bài trí tượng Phật trong chùa được chia làm hai lớp:

Lớp thứ nhất, là tượng Di Đà Tam Tôn, ngồi trong tư thế thiền định – một vị phật có sắc tướng ” Biến hiện vô cùng” – To lớn vô cùng – vị phật đựơc coi là giáo chủ của thế giới cực lạc ngồi trên tòa sen, hai bàn tay để ngửa trong lòng kết ấn thiền định, mình mặc áo pháp tồn tại vĩnh hằng với ánh sáng Phật pháp từ ngài toả ra để cứu vớt chúng sinh không gì che cản nổi. Cũng như các tượng ADiĐà khác của Phật giáo, tượng ADi Đà chùa Kim Âu được tạo tác khá lớn, có diện mạo bất biến của ADiĐà xưa nay. Đó là kiểu ngồi thuyết pháp hai chân xếp bằng gọi là ngồi kiết già, hai tay để ngửa trong lòng đùi kết ấn thiền định, mình mặc áo pháp. Những quý tướng nói trong kinh Phật bộc lộ rõ ràng: tóc xoắn hình ốc, dái tai dài, ngực có chữ vạn, khuôn mặt mang vẻ trầm tư, với đôi mắt nhìn xuống, dọc mũi thẳng, miệng thoáng nụ cười làm cho khuôn mặt rạng rỡ.

Lớp thứ hai, ở giữa là toà Cửu Long và Thích Ca sơ sinh, thể hiện lại khung cảnh ra đời của đức Phật Thích Ca. Ngài xuất hiện nơi trần thế với hình thức một trẻ nhỏ, nhưng đã thấm đượm một tinh thần khẳng định về phật pháp. Với hình tượng chú bé tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất, ẩn chứa trong đó câu nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” – Trên trời, dưới trời chỉ có ta là cao quý hơn cả. Quanh tượng là chín con rồng tượng trưng cho bầu trời mây linh thiêng phun nước tắm cho Phật và các tượng phật đứng xung quanh, bên trái là tượng Quan Âm, bên phải là tượng Thế Trí. Song song với hai tượng là hai ban thờ Đức Ông và ban thờ đức Thánh Hiền. Sát tường hồi bên phải treo quả chuông lớn: “Am vàng tự chung”.

Nhà Mẫu của chùa là một nếp nhà hai gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói sông cầu, mái phân “thượng nhị hạ tam”, bộ khung đỡ mái với ba bộ vì làm kiểu “vì kèo quá giang”. Chính giữa xây bệ cao khoảng 1m làm ban thờ Mẫu.

Ngoài phần kiến trúc chính, chùa có một ngôi tháp ba tầng mới xây năm 1993 để cất giữ những pho tượng của chùa đã bị mục nát, xung quanh là những tấm bia hậu đựơc gắn quanh chân tháp.

Trải qua thời gian tồn tại với những biến động thăng trầm lịch sử đã làm cho di tích bị hư hỏng, tuy nhiên hiện nay đình – chùa Kim Âu còn bảo lưu đựơc một số các di vật quý, là nguồn tư liệu giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử ngôi đình và đời sống vật chất, tinh thần của một làng quê truyền thống như: tám đạo sắc phong, sắc có niên hiệu sớm nhất là năm Thiệu Trị thứ 4(1844), sắc có niên hiệu muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924), một cuốn thần tích, một tấm bia “Thạch lập bi ký”, một ngai thờ và bài vị chạm thủng hình rồng, phượng, ghi chữ Hán “Linh Lang đại vương bảo vị” nghệ thuật thế kỷ XIX…Hệ thống 14 bia đá của chùa Kim Âu (bia có niên hiệu sớm nhất là “Kỵ điền bi” niên hiệu Dương Hoà thứ 5 (1639), kích thước 50x35cm và bia có niên hiệu muộn nhất là bia “Hậu phật bi ký” niên hiệu Tự Đức 24 (1872), kích thước 38x40cm và quả chuông đồng “Am Vàng tự chung” niên đại: “Hoàng Triều Tự Đức nhị thập nhất niên tuế thứ kỷ tỵ tam nguyệt cốc nhật” (1868), kích thước 105x50cmv…

Trong nhiều năm trở lại đây, với chính sách và chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đình – chùa Kim Âu thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng. Đặc biệt vào các ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch hàng năm các thế hệ người dân địa phương dù đi xa hay bận rộn mấy cũng trở về dâng hương tưởng niệm Thành hoàng làng, thăm quê cha đất tổ, gặp mặt họ hàng anh em.

Nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền UBND huyện Gia Lâm, cụm di tích đình chùa Kim Âu cũng đang được nhân dân, chính quyền địa phương quan tâm xứng đáng để tri ân đối với các tiền nhân đã có công lao bảo vệ đất nước.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Chùa-Kim-Âu-Đặng-Xá.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh chua kim au (dang xa).docx”]

Hits: 1424

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *