ĐÌNH BÌNH MINH

Đình Bình Minh hiện nay thuộc tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Quy mô kiến trúc ngôi đình hiện thấy là kết quả của hai đợt trùng tu vào các năm 1998 (xây đình); năm 2005 (xây nghi môn, 2 chái, tả vu, lát sân). Kết cấu các hạng mục bao gồm:

Ngoài cùng là nghi môn – vị trí đặt hai linh vật dạng hổ phù, xây dựng theo kiểu cột đồng trụ hay còn gọi là tứ trụ, là hình thức quen thuộc của các ngôi đình làng Việt Nam. Hệ thống tứ trụ tạo thành một cổng chính và hai cổng phụ. Trên hai cổng phụ đắp mái ngói ống, kiểu hai tầng tám mái; các góc đao là những đầu rồng uốn lượn cong chầu vào bờ nóc. Hai cột đồng trụ chính khá lớn, trên đỉnh đắp hình tứ phượng, cách điệu dưới dạng lá lật, trong khi đỉnh trụ nhỏ đắp hình hai nghê chầu, phía dưới là các ô lồng đèn đắp nổi các đề tài tứ linh, tứ quý, thân trụ tạo vuông bốn mặt để viết câu đối.

Tiếp đến là chín bậc thềm bằng đá, dọc hai bên đắp hình rồng chầu, kế theo chừng 2m là vị trí đặt bốn linh vật voi đá và sư tử đá sắp xếp đăng đối. Từ cửa thềm thẳng đường thần đạo qua một sân lát gạch diện tích khoảng trên 200m2 là khu kiến trúc thờ chính của ngôi đình, phía sau có một sân lát gạch diện tích khoảng 300m2. Xung quanh đình trồng nhiều loại cây ăn quả và cây cổ thụ.

Ngôi đình toạ lạc hướng Đông Nam, trên một mặt bằng có diện tích là 153m2, cấu trúc theo kiểu chữ đinh nhà dạng tường hồi bít đốc tay ngai. Tòa đại đình gồm năm gian hai dĩ, mái lợp ngói ta. Chính giữa nóc là hình rồng chầu mặt trời, hai đầu kìm là hai đầu rồng cách điệu. Tường hai đầu hồi của tòa đại đình xây nối liền với hai trụ biểu ở phía trước tạo thành tay ngai. Mặt trong bức tường hồi đắp hình hai pho tượng võ tướng trong tư thế đứng canh gác. Võ tướng bên trái cầm thanh giáo, võ tướng bên phải cầm thanh gươm, tư thế oai vệ, vẻ mặt quắc thước. “Tay ngai” tượng trưng là cột trụ, đỉnh hai trụ là hình hai nghê hướng vào nhau, dưới là đấu vuông, ô dạng lồng đèn, thân trụ tạo vuông ba mặt để viết câu đối. Kiến trúc đình gồm sáu bộ vì kèo, kết cấu kiểu “vì kèo quá giang”. Mái phân “thượng tứ hạ ngũ”, mặt bằng ba hàng chân cột. Cửa làm kiểu cửa bức bàn ở cả năm gian.

Hậu cung là một nếp nhà hai gian nối liền với gian giữa của tòa đại đình, kết cấu gồm hai bộ vì kèo kiểu “vì kèo quá giang”, trang trí đơn giản dạng bào trơn đóng bén và bào trơn kẻ soi.

Nhà tả mạc gồm một nếp nhà bốn gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc bờ dải đắp gờ nhô cao; ba bộ vì kèo kết cấu theo kiểu kèo suốt, gồm ba cửa ra vào, nền nhà lát gạch Bát Tràng.

Tuy được tu bổ tôn tạo vào thời gian gần đây, nhưng khi tìm hiểu về vị trí toạ lạc, các linh vật cũng như nghiên cứu về tên gọi vùng đất này, lại cho thấy nơi đây ẩn chứa những giá trị sử liệu quý giá.

Không rõ từ bao giờ trong dân gian truyền miệng câu nói: “nhất Cổ Bi, nhì Cổ Loa, thứ ba kinh thành”, nhưng chắc hẳn cũng phải đến đời chúa Trịnh Cương (1709 -1729) mới xuất hiện. Bởi vì, tin vào thuyết phong thủy cho rằng Cổ Bi có vượng khí đế vương, gồm nhiều gò đống nổi lên, có sông Đuống sau lưng, sông Hồng trước mặt che chắn và sông Nghĩa Trụ vòng vo bao quanh, tạo cho Cổ Bi có vị thế đắc địa, chúa Trịnh Cương định cho chuyển đô sang đây nhưng về sau chỉ cho xây dựng hành cung để nghỉ ngơi mỗi khi đi tuần du. Sự kiện xây dựng này được Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: “Tháng 11, Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái năm thứ 8 (1727) (Thanh Ung Chính thứ 5) xây dựng hành cung Cổ Bi. Chúa Trịnh đi đến Như Kinh, ưa thích phong thuỷ ở Cổ Bi muốn xây dựng kinh đô mới ở đó. Các tụng thần cũng xin cho dựng hành cung để chuẩn bị khi chúa đi tuần du. Chúa bèn lệnh cho quần thần chọn đất vẽ bản đồ dâng lên chúa xem. Công việc xây dựng trong một tháng thì xong. Nhân lúc ở hành cung Cổ Bi, Chúa cho tuyên đọc lệnh chỉ ban ơn phong chức cho các quan văn võ như bọn Đại tư đồ Trịnh Quán, thiếu phó Nguyễn Công Hãng, cao thấp có khác nhau”.

 Tuy sử sách không mô tả cụ thể về hành cung Cổ Bi, ngoài trang dòng phản ánh sự kiện chúa Trịnh Cương cho xây dựng hành cung Cổ Bi vào tháng 11 niên hiệu Bảo Đại thứ 8 năm 1727. Nhưng qua vết tích lược đồ mặt bằng rộng lớn, qua lối vào, qua những hiện vật còn lại tại và xung quanh đồi Cổ Bi như đôi voi, đôi sấu, đôi hổ được làm bằng chất liệu đá và qua khoảng cách (5,5m) giữa các con thú được sắp xếp đối xứng với nhau… chứng tỏ nơi đây từng hiện diện quy mô một công trình kiến trúc, trung tâm là đồi Cổ Bi nơi có cung điện với các vật liệu làm từ gạch, đá, gỗ…và nhiều cây cổ thụ xum xuê tôn đẩy cho quần thể hành cung thêm uy nghiêm, bề thế.

Quy mô hành cung bề thế, uy nghiêm được sử liệu phản ánh là vậy, nhưng hành cung Cổ Bi tồn tại không lâu. Sau khi chúa Trịnh Cương mất (1729), chúa Trịnh Giang (1729-1740) kế vị cho dỡ bỏ đem vật liệu xây dựng chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm thuộc huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương. Dẫu sau này được chúa Trịnh Doanh (1740-1767) cho sửa lại hành cung Cổ Bi nhưng cũng không thoát khỏi ngọn lửa trả thù của vua Lê Chiêu Thống (1787-1788) thiêu rụi.

Trên cơ sở các nguồn sử liệu ghi chép cùng với những di vật, linh vật hiện còn, trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Hà Nội của thành phố Hà Nội, tiến tới kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, từ ngày 02/10 đến ngày 08/12/2006, Viện Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tiến hành khai quật thám sát tại vị trí được cho là trung tâm của Hành cung Cổ Bi với hy vọng tìm lại được vết tích, cùng di vật liên quan đến hành cung vốn vang bóng một thời.

Tổng diện tích khai quật lên đến 160m2, chia làm 11 hố đã làm xuất lộ những dấu vết cư trú thuộc văn hóa Đông Sơn, vết tích kiến trúc thời Trần, vết tích kiến trúc thời Lê (gia cố móng tường bao, đống đổ vật liệu kiến trúc và vệt gia cố dăm đá vôi), vết tích kiến trúc thời Nguyễn (đống đổ phế liệu kiến trúc). Cùng với những di vật là vật liệu kiến trúc và đồ gốm sứ. Chủ yếu, chúng có niên đại thời Lê sơ, một số ít có niên đại thời Trần và Nguyễn. Ngoài ra, còn có 3 đồng tiền, các cục xỉ lò.

Cũng trong báo cáo sơ bộ kết quả khai quật cho biết: Không chỉ có niên đại bắt đầu vào nửa đầu thế kỷ XVIII và tồn tại đến tận thế kỷ XIX, thực tế khảo cổ học đã chứng minh sinh động vùng đất Cổ Bi có dấu ấn văn hóa và niên đại của thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời Trần (XIII – XIV).

Kết quả khảo sát thực địa cùng tài liệu địa tầng và các vết tích kiến trúc xuất lộ cho thấy quy mô của hành cung tương đồng với những gì được sử cũ ghi chép và tương truyền đó là: hành cung phân bố trên một mặt bằng rộng, bán kính khoảng 5km, có nhiều gò đống nổi lên cùng hệ thống sông ngòi che chắn, bao bọc. Tuy nhiên, những đơn nguyên kiến trúc của hành cung mới chỉ dừng lại “ở dạng “quy hoạch” hay ý tưởng mà chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, hoặc có xây dựng cũng chưa đi đến hoàn thiện và đưa vào sử dụng”. Nhận thức này có phần phù hợp với những gì mà sử liệu đã phản ánh.

Để bảo tồn được những di vật, di tích lịch sử, ghi nhận được những thành quả lao động sáng tạo của người xưa và cũng để phát huy tác dụng cho cuộc sống hôm nay đang cần những suy nghĩ, chung lòng, chung sức của nhân dân các ngành các cấp. Đặc biệt đối với huyện Gia Lâm, khu di tích hành cung Cổ Bi là chứng tích, niềm tự hào của nhân dân địa phương về phong cảnh, địa thế, về quan niệm phong thủy và về một sự kiện đã diễn ra cách nay gần 300 năm. Thiết nghĩ, Tiểu ban quản lý di tích và UBND thị trấn Trâu Quỳ cần lập dự án quy hoạch tổng thể khu di tích và có những hành động thiết thực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu những con thú còn lại. Chúng có giá trị cao về nghệ thuật tạo tác, thông qua tư thế, qua đường nét chạm khắc đơn giản mà chắc khỏe là nguồn sử liệu ít ỏi nhưng quý giá giúp cho công việc nghiên cứu, nhận hiểu thêm giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật từ gần 3 thế kỷ trước; tiếp tục tiến hành thám sát khảo cổ học, hy vọng lấy lên từ lòng đất những bằng chứng, chứng minh cho vùng đất có lịch sử hàng ngàn năm này – nơi đã được hai đời chúa chọn làm địa điểm với ý nguyện định đô.

Đình Bình Minh được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích Lịch sử Nghệ thuật năm 2007.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đình-Bình-Minh-Trâu-Quỳ.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh binh minh trau quy.docx”]

Hits: 651

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *