ĐỀN MẪU BÁT TRÀNG

Là một vùng đất phát triển từ khá sớm nên Bát Tràng đã có những dòng họ đến đây sinh cơ lập nghiệp từ rất lâu đời. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại thì họ Nguyễn Ninh Tràng là dòng họ đến đây từ đầu tiên, sau đó là các dòng họ Lê, Trần, Vương, Phạm, Nguyễn cùng với họ Nguyễn Ninh Tràng phát triển khu này thành một vùng giàu có. Thời Lê Trung Hưng, nghề gốm Bát Tràng đã thu hút được 20 dòng họ lập nghiệp ở đây.

Ngoài nghề thủ công làm gốm nổi tiếng từ rất sớm, Bát Tràng còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều bậc khoa bảng trong lịch sử, đây cũng từng là quê hương của các vị trạng nguyên, tiến sĩ, ông nghè như­ Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1586), tiến sĩ Vương Thừa Trung, tiến sĩ Trần Thiện Thuật, tiến sĩ Nguyễn Đăng Liên, tiến sĩ Lê Hoàn Viên, tiến sĩ Nguyễn Đăng Cẩm, tiến sĩ Lê Hoàn Hạo, tiến sĩ Lê Danh Hiển, tiến sĩ Vũ Văn Tuấn, cử nhân Phạm Văn Bích và nhiều vị quận công khác…đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Song song với quá trình định cư­, sinh sống, các di tích tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, văn chỉ, nhà thờ…. đ­ược dựng lên nhằm thoả mãn nhu cầu tín ngư­ỡng của nhân dân địa phư­ơng. Hệ thống di sản văn hoá này đã góp phần tạo nên những truyền thống tốt đẹp cho cộng đồng cư­ dân làng xã, điều chỉnh hành vi đạo đức cho mỗi thành viên của làng và là nơi l­ưu giữ những tập tục, truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc. Đền Mẫu Bát Tràng cũng là một trong những di tích như vậy.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì từ năm 1942, do ngôi miếu thờ Mẫu bị sập đổ nên dân làng đã chuyển tượng và đồ thờ tự vào nhà thờ họ Trần, sáp nhập làm một. Do vậy, từ năm 1942 trở đi di tích đảm nhận hai chức năng: Là nơi thờ cúng tổ tiên của một chi nhánh họ Trần và là nơi thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian truyền thống. Nhưng hai chức năng của di tích này có thể được nhập làm một bởi nhân vật Mẫu ở đây cũng là một người con gái đời thứ 9 của dòng họ Trần Đồng Tâm ở Bát Tràng. Việc lập miếu thờ bà và việc thần thoại hóa nhân vật được thờ đã được truyền tụng ở địa phương và được ghi chép trong thần tích về đức Thánh Mẫu bản hương như sau:

“Mẫu bản hương tín nữ Quế Hoa Công chúa là công chúa Trần Mỹ Tín, tên húy là Phê, là con gái đời thứ 9 của họ Trần Đông Tâm Bát Tràng. Bà sinh năm Mậu Thìn (khoảng 1568) và mất ngày 24 tháng 9 năm ất Dậu (1585) tròn 18 tuổi. Mộ táng tại vườn chùa Tiêu Giao – Đông Cao (nay là thôn Giang Cao – Bát Tràng). Bà sinh ra trong một gia đình nội ngoại đều có danh giá trong làng. Cha là Phúc Gia, hiệu là Pháp Duệ Thuyền Sư, lại có tên hiệu khác là Pháp Giai Tiên sinh, tục gọi là ông thầy Bồi có chân trong Phủ hiệu tiên sinh. Do học được nhiều phép hay, cứu giúp người nên được bổ làmTế chân đường xứ (công tác y tế tỉnh). Mẹ bà tên húy là Nha, hiệu là Từ Huy, con gái cả của Đặc tiến phụ quốc, Thượng tướng quân, Đô chỉ huy xứ, kiêm chức Trung úy sở Chuẩn kích – vệ thần Tách trong Ty Điện Tiền triều Lê, tước Văn Lễ Bá, là thủy tổ họ Trần Đông Cục, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Khi sinh ra, bà có khuôn mặt khôi ngô, lớn lên bà không ăn cơm gạo tẻ bao giờ, tính tình không hay trò chuyện với ai. Năm 12 tuổi, có nhiều người đến dạm hỏi, nhưng hễ có người đến dạm hỏi thì bà lại sinh bệnh. Đến giờ Ngọ ngày 24 tháng 9 năm ất Dậu (1585), bà tắm gội sạch sẽ vào quỳ lạy cha mẹ và thưa rằng: “Con nguyên ở trên Đức Ngọc Hoàng xuống đầu thai làm con cha mẹ 18 năm, nay không ở lại hầu cha mẹ được nữa. Con xem cha mẹ có nhiều phép lạ cứu người thì sau này thế nào cũng được hưởng phúc”. Bà nói vậy đến giờ Tuất rồi mất.

Sau khi bà mất, đêm đêm thường xuất hiện, người trong làng thấy vậy bèn lập đền thờ và cầu xin điều gì đều linh ứng, các nơi xa gần đến xin lễ rất đông và tôn bà là Quế Hoa công chúa. Có một giai thoại kể rằng, ông nghè Vũ Văn Tuấn, đỗ tiến sĩ khoa Quí Mão (1843), được bổ nhiệm chức Hàn Lâm Viện Biện Tu, Hàm Thị Độc, đổi làm Tri phủ Hà Trung, sau được điều về kinh nhận chức Thị Giảng và được cử làm phó sứ , sau là chánh sứ sang nhà Thanh. Trước khi đi, ông đến đền Mẫu bản hương Mỹ Tín Thiên Tiên Quế Hoa Công chúa cầu xin mọi điều đều được bà linh ứng. Sau khi trở về, để tỏ lòng biết ơn Mẫu, quan nghè Tuấn đã sửa sang lại đền miếu thờ Bà được khang trang to đẹp, cung tiến nhiều đồ thờ cúng. Theo các cụ trong làng thì chính bức hoành phi “Bạch thổ danh sơn” hiện còn trong đền là do chính tay ông viết.Trải qua các triều đại từ Lê – Tây Sơn đến Nguyễn, bà đều được phong sắc là Mỹ Tín Thiên Tiên Quế Hoa Công chúa cùng nhiều mỹ tự khác.

Mẫu Quế Hoa công chúa Trần Mỹ Tín – một người con của quê hương Bát Tràng đã từng phù trợ cho cuộc sống tinh thần của nhân dân địa phương được bình yên, giúp nước yên dân. Công lao, ân đức của bà đã được các triều đại phong kiến ghi nhận qua các đạo sắc phong như:

Sắc cho làng Bát Tràng, tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Về việc phụng sự tôn thần là Mỹ Tín Thiên Tiên Quế Hoa công chúa tôn thần Hộ quốc tý dân. Linh ứng của thần trong việc giúp nước, thương dân tới nay vẫn rõ ràng. Nhân tiết Tứ tuần Đại khánh của Trẫm nên gia ân ban chiếu cho lễ đăng trật được long trọng.

Nay phong thần là: Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Chuẩn cho dân phụng thờ, thần hãy phù trợ cho dân được lành”.

                                       (Sắc năm Khải Định 9 – 1924)

Tồn tại đến ngày nay, di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đặc biệt là năm 1958, do nhu cầu làm công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, ngôi miếu thờ Mẫu bị dỡ bỏ chuyển vào sáp nhập hợp tự với nhà thờ họ Trần. Năm 2001 làm lại điện thờ Sơn Trang, năm 2004 xây nghi môn, năm 2005 kè sông, sửa nhỏ các hạng mục. Ngoài ra hàng năm nhân dân vẫn tiến hành sửa chữa nhỏ thường xuyên những chỗ hư hỏng…

Đền Mẫu có qui mô kiến trúc khiêm tốn trong khu làng cổ Bát Tràng. Di tích quay hướng Tây Nam. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại thì xưa kia di tích có tam quan rất lớn nhưng đã bị lở xuống sông. Tổng thể kiến trúc hiện nay của di tích bao gồm: Cổng nghi môn, lầu cô, lầu cậu và kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ đinh tiền tế và hậu cung.

Cổng nghi môn được xây theo dạng gác chuông hai tầng, mái lợp ngói âm dương, chia ba cửa. Phía trên cửa chính đắp nổi chữ Hán “Linh Từ Thánh Mẫu”, bốn góc đao trang trí hoa văn hình học, hai cửa bên xây dạng một tầng, mái lợp ngói âm dương, bốn góc mái đắp bốn đao uốn cong, hai bên là hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành hình trái giành cách điệu, thân trụ tạo gờ nổi để đắp câu đối chữ Hán. Qua cổng là khoảng sân hẹp lát gạch Bát Tràng đến kiến trúc chính. Tiền tế là một nếp nhà ba gian, cao hơn mặt sân khoảng 80 cm, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai bên hồi nóc đắp hình văn triện, bờ dải làm kiểu dật cấp. Hiên rộng khoảng 1m, trổ ba cửa gỗ dạng ván bưng. Cửa giữa có treo bức hoành phi làm năm Thành Thái Quí Mão. Bộ khung gồm bốn thức vì có kết cấu kiểu vì giá “chiêng chồng rường con nhị”, mái phân “thượng nhị – hạ tam”. Trên các con rường đều trang trí hoa văn lá lật, vân dấu hỏi, kẻ soi, phía trên gian giữa treo bức hoành phi, dưới là cửa võng chạm thủng, chạm bong kênh các đề tài tứ linh, tứ quí mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, hai bên treo câu đối chữ Hán. Bên dưới đặt một hương án gỗ sơn son thếp vàng đặt tượng Đức Trần triều ngồi trên ngai, lớp dưới là tượng Ngũ vị Tôn Ông, hai bên là tượng quan Hoàng Mười và quan Hoàng Bẩy. Dưới đặt một hương án nhỏ, hai bên là tượng Cậu đặt trong khám kính. Hai gian bên đều treo câu đối, cửa võng với các đề tài cúc mãn khai, tứ quí, tứ linh… Nối tiền tế với hậu cung là một ban thờ gỗ, hai bên là biển lệnh, phía trước đặt giá gươm, bên trên treo đại tự, hai bên là câu đối. Hậu cung gồm ba gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái phân “thượng tam – hạ tứ”, lợp bằng ngói âm dương, mặt bằng gồm hai hàng chân. Bộ khung cũng có kết cấu giống như tiền tế đó là các vì đều có kết cấu kiểu vì “chồng rường giá chiêng”. Sát tường hậu xây bệ cao làm nơi đặt tượng thờ và các đồ tế tự, bên trên treo hoành phi và câu đối. Trên cùng của ban thờ gian giữa là tượng Quế Hoa công chúa ngồi trong khám kính, phía ngoài là ban thờ vua cha Ngọc Hoàng ngồi trên long ngai. Gian giữa bên phải là ban thờ tam tòa Thánh Mẫu, bên dưới là tượng Cô, tượng Cậu đặt trong tủ kính nhỏ. Gian trái là ban thờ Thân phụ và Thân mẫu của Quế Hoa. Tượng Thân phụ và Thân mẫu ngồi trên long ngai. Phía bên phải hậu cung là điện thờ Sơn Trang gồm ba gian xây dạng tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bộ khung gồm bốn bộ vì kết cấu kiểu vì kèo quá giang cột chốn, nền nhà lát gạch hoa.

Hàng năm vào ngày 24 tháng 9 âm lịch, làng Bát Tràng lại làm lễ tế mẫu tại đền nhằm tưởng nhớ đến công lao ân đức của mẫu đối với nhân dân. Đối với nhà thờ họ Trần thì việc tế lễ diễn ra trước một ngày (tức ngày 23 tháng 9), mở cửa đền, cáo cơm tế tổ, sang ngày 24 làm lễ tế thần, dâng hương. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương năm nào làng mở hội đều làm lễ cáo rước Mẫu về đình dự hội cùng với dân làng.

Đền Mẫu Bát Tràng là công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong việc biết ơn đối những anh hùng văn hóa đã có công khai sáng, mở mang bờ cõi, bảo vệ nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước

Đền Mẫu Bát Tràng đã được thành phố ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2009. Di tích nằm kề bờ sông Hồng cách đình Bát Tràng và bến cảng đường sông khoảng 700m, công trình cảng sông Bát Tràng sẽ được khánh thành trong tháng 10 năm 2010 chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đền Mẫu sẽ là một điểm tham quan du lịch lý thú của du khách trong và ngoài nước khi về làng gốm Bát Tràng.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Đền-Mẫu-Bát-Tràng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den mau bat trang.docx”]

Hits: 1277

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *