CHÙA PHÚC NƯƠNG

Nằm trong địa bàn quan trọng của cư dân Việt cổ thời dựng nước, làng Yên Thường, huyện Gia Lâm có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời.

Quanh khu vực này còn tồn tại nhiều đại danh nổi tiếng như Cổ Loa – Kinh thành của nước Âu Lạc từ hơn 2000 năm về trước, Cổ Pháp – Quê hương của vương triều nhà Lý cách nay tròn nghìn năm. Ca ngợi cảnh đẹp và con người Yên Thường, danh nho Ngô Thì Sỹ viết: “ Thôn Yên Thị xã Yên Thường là một phong cảnh đẹp của huyện Từ Sơn. Nơi đây có phong thủy hội tụ sẽ sản sinh ra người hiển đạt ”(1755). Yên Thường xưa là thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn nay thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Dấu ấn vàng son về một thời quá khứ của Yên Thường vẫn được lưu giữ qua ngôi chùa Phúc Nương và đền thờ quận công Nguyễn Đình Huấn cũng như sự tích vị thành hoàng làng.

Chùa Phúc Nương là ngôi chùa cổ được xây dựng sớm ở nước ta. Thông qua những tấm bia mang niên hiệu Hoằng Định Chính Hoà thời Lê Trung Hưng đã khẳng định sự nổi tiếng của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Cũng ở thời Lê, quan phó tự thuỷ sư Tư Lễ giám hiệu kiêm Thái giám Dật Hải Hầu Phạm Hữu Toán và Quận công Nguyễn Đình Huấn( đều là người Yên Thường) đã 2 lần đóng góp tu bổ và mở rộng ngôi chùa. Đầu thời Nguyễn, chùa Phúc Nương được tu sửa lớn. Đến năm Thiệu Trị thứ 4(1844) dân làng đã công đức tiền của để mua đồng thuê thợ đúc quả chuông đồng lớn “Phúc Nương tự chung”. Bài ký trên thân chuông ghi: “ Quan viên sắc mục xã thôn trưởng, lão ông, lão bà thiện nam tín nữ, sư trụ trì và toàn dân thôn Yên Thị xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Thường nghe chùa chiền có chuông xưa nay là thế, thành tâm với đạo mà không có phương tiện thì không kết quả, không có chuông thì đạo phật không sáng tỏ được, gõ to thỉnh nhỏ để giác ngộ đạo chân thừa. Sáng niệm tối cầu để vượt bến mơ qua bờ giác. Đạo Phật thường âm vang giữa thế gian. ấp ta gần sông Thiên Đức, chùa cổ Phúc Nương đàn tùng sáo trúc điểu ngữ kinh kệ quả là danh thắng một vùng. Rồi trải qua binh hỏa tiếng chuông im bặt đã bao năm rồi. Đến năm Giáp Thìn, bản thôn khuyến thiện thập phương phúc quả vẹn toàn tiếp tục thanh âm xưa, sức tiếng xã gần phúc tựa hà sa”.

Sau lần đúc chuông, chùa Phúc Nương còn được dân làng trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Đợt sửa chữa cuối cùng còn được ghi lại trên kiến trúc của chùa vào năm Bảo Đại thứ 10(1935). Năm 2002, tam bảo chùa được sư trụ trì và nhân dân góp tâm công đức tu bổ tôn tạo lại.

 Tuy vẻ ngoài của ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc của đợt trùng tu sửa chữa cuối cùng này song các tác phẩm điêu khắc, bia ký mang niên đại từ thời Lê đến Nguyễn đã khẳng định sự tồn tại liên tục của ngôi chùa từ khi khởi dựng cho tới ngày nay.

Theo hồi ức của nhân dân địa phương, chùa Phúc Nương trước đây có quy mô kiến trúc lớn, kiểu mái cong cổ kính. Theo dòng thời gian, quy mô của chùa bị thu hẹp dần. Kiến trúc của ngôi chùa gồm tam quan, nhà bia ở bên phải sân, khu chùa chính và nhà tổ. Các nếp nhà được quy hoạch theo chiều sâu và nhìn ra hướng Đông.

 Tam quan mới được xây dựng lại với ba khuôn cửa mở lối vào. Mái cổng hai tầng lợp ngói ống. Cổ diêm giữa hai mái xây tường, mặt ngoài đắp nổi hình long- ly – quy – phượng và ghi tên tự của chùa. Qua cổng tam quan là một sân gạch vuông rộng dẫn vào khu chùa chính. Trước chùa dựng cây hương đá niên hiệu Chính Hoà thứ 9 (1689), bên phải sân có kiến trúc đơn giản để bảo quản những tấm bia cổ.

Chùa chính có kết cấu kiểu chữ đinh gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Giống như những di tích được quy hoạch lại vào thời Nguyễn, thiêu hương và thượng điện được nối liền thành nếp nhà dọc gắn với tiền đường.

Tiền đường là nếp nhà năm gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung gỗ của tòa tiền đường có kết cấu vững chắc gồm hai kiểu vì giá chiêng kẻ truyền và thượng chồng giá chiêng hạ kẻ, mỗi vì gồm 4 hàng chân, mái phân thượng tứ hạ ngũ. Sát với tường hậu và hai hồi xây những bệ gạch cao để đặt tượng thờ và bài vị của những người giữ hậu thời Lê, Nguyễn.

Thượng điện gồm ba gian một dĩ gắn với tiền đường. Ba vì ngoài có kết cấu chồng rường, phần thượng hạ kẻ gối lên tường bao. Giữa các gian xây hệ thống bệ gạch cao để làm tam bảo, hai bên sát tường bao làm đường chuỵ đàn – một tín ngưỡng cổ của đạo Phật.

Khu thờ mẫu có kết cấu đơn giản và được xây dựng ở phía sau của khu chùa chính. Nhà có kết cấu kiểu chữ đinh, tiền tế gồm ba gian xây tường hồi bít đốc, cung cấm một gian, chính giữa thờ Tam phủ (Thiên phủ, Địa phủ và Thuỷ phủ), các ông hoàng, cô, cậu.

Do phần kết cấu gỗ trong kiến trúc chùa chủ yếu được thực hiện bằng kỹ thuật bào trơn đóng bén nên điêu khắc nghệ thuật chủ yếu của chùa được thể hiện qua hệ thống tượng tròn và các bài vị đá của các vị hậu. Tượng trong chùa tuy không nhiều nhưng mang giá trị điêu khắc nghệ thuật cao có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn. ở vị trí quan trọng nhất tọa lạc một pho tượng Quan Âm “thiên thủ thiên nhỡn” bên dưới là hai vị phật Di Lặc và Tuyết Sơn. Lớp thứ ba gồm tượng phật A Di Đà ngồi kiết già trên tòa sen, hai bên là Vua cha, Hoàng hậu. Theo truyền thuyết hai nhân vật này là phụ mẫu của Đức phật Quan Âm trước khi xuất gia. Tiếp đến là nhóm tượng Thế Tôn và hai vị bồ tát Phổ Hiền, dưới cùng là tòa Cửu Long tái hiện hình ảnh lúc đức phật mới ra đời.

Ngoài nhà tiền đường còn có các nhóm tượng Đức Ông (Cấp Cô Độc), Thánh Tăng (át Nan) và hai pho tượng hậu bằng đá của hai vị hậu thời Lê Trung Hưng và năm bài vị đá. Các bài vị này được trang trí tỷ mỉ các hình mặt trời, hoa dây.

Chùa Phúc Nương là một ngôi chùa cổ có niên đại xây dựng từ rất sớm. Tuy vẻ đẹp cổ kính xưa không còn bảo tồn được nhưng nó vẫn giữ nguyên được cốt cách đặc điểm của một ngôi chùa cổ. Trong chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng tròn từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn gồm 32 pho mang giá trị thẩm mỹ cao, trong đó gây ấn tượng nhất là bẩy tượng phật và hai tượng hậu bằng đá thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII). Hệ thống bia đá gồm 12 bia trong đó có một bia trụ niên hiệu Chính Hòa thập niên (1689) ghi việc quan thái giám Dật Hải Hậu Phạm Hữu Toán có công đức rất lớn với ngôi chùa và được dân làng bầu hậu. Bốn tấm bia khắc chữ hai mặt, bốn bia một mặt trong đó có ba kia khắc kiểu linh vị tên họ của các vị hậu phật. Tấm bia có niên đại sớm nhất là Hoằng Định thứ 7 (1606); Một cây hương đá dựng năm Chính Hòa thứ 19, nội dung ghi rõ họ tên người hưng công hội chủ để sửa chữa, dựng cây hương; năm bài vị đá, hai bài vị gỗ niên đại thế kỷ XVIII; một quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Một cửa võng thế kỷ XIX chạm lưỡng long chầu nguyệt, các cạnh cuốn diềm lá cúc, bên dưới mảng chụm tạo thành bức hoành phi ghi tên chùa. Đây là những di vật quý trong kho tàng di sản văn hoá nước nhà, cần được bảo tồn, gìn giữ.

Với nhân dân địa phương, chùa Phúc Nương là nơi bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân. Sự tồn tại của di tích làm tôn thêm vẻ đẹp của quê hương, xóm làng.

Chùa Phúc Nương đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật năm 1995.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Phúc-Nương-Yên-Thường.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua phuc nuong yen thuong.docx”]

Hits: 419

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *