CHÙA LINH ỨNG

Chùa Linh Ứng có tên chữ là “Linh ứng tự”, còn gọi là chùa Thuận Tốn, thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện gia Lâm, Hà Nội.

Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nằm trong hệ thống phật giáo có nhiều mối quan hệ gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây. Căn cứ vào các tấm bia và chuông hiện còn tại chùa có thể khẳng định chùa Linh ứng có niên đại xây dựng ít nhất từ thời Lê.

Bên cạnh việc thờ phật hiện trong chùa Linh Ứng còn có ba pho tượng hậu bằng đá. Theo sư trự trì chùa và nội dung bia ghi chép lại thì đó là tượng Lê Công và hai bà vợ của ông. Ba vợ chồng ông là người đã nhiều công đức đóng góp tiền của vào sửa chùa.

Chùa Linh Ứng hiện tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng mát và rộng rãi ở giữa khu dân cư của làng. Từ ngoài vào chùa Linh ứng gồm có các công trình tam quan, chùa chính (tiền đường và thượng điện), nhà mẫu, nhà tổ và nhà khách.

Chùa chính có quy mô kiến trúc khá lớn và bề thế, được làm theo kiểu chữ đinh bao gồm năm gian tiền đường và năm gian thượng điện. Tiền đường được tôn cao khoảng 1m so với mặt sân, phía trước là các bậc tam cấp được xây gạch cao dần làm lối lên xuống. Chùa được xây theo kiểu “đầu hối bít đốc”, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa nóc là một ô hình chữ nhật đắp ba chữ hán lớn “Linh Ứng tự”.

Mặt trước tòa tiền đường mở ba cửa bức bàn bằng gỗ lim. Các gian đầu hồi được xây tường bao kín, lòng nhà gồm năm gian rộng. Phía trong tòa tiền đường là bộ khung đỡ mái được làm theo kiểu “giá chiêng và bẩy hiên”. Liên kết các thức vì là hệ thống xà đại thượng tạo nên sự bền chắc cho bộ khung nhà. Nghệ thuật chạm khắc trong nhà tiền đường với các đề tài trang trí truyền thống của kiến trúc phật giáo như tứ linh, rồng mây, hoa dây, tứ quí…Nhìn chung đường nét chạm khắc chau chuốt tỉ mỉ mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Thượng điện được nối liền gian giữa tiền đường về phía sau tạo nên vẻ thâm nghiêm của ngôi chùa cổ. Bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “chồng rường giá chiêng” được bào trơn đóng bén. Hệ thống cột gỗ trong thượng điện đã được thay bằng cột xây gạch. Toàn bộ phần giữa thượng điện xây một bệ gạch lớn gồm sáu bậc cao dần từ ngoài vào.

          Ở vị trí cao nhất sát với tường hậu là ba pho tượng tam thế thường trụ diện pháp thân, tượng trưng cho phật ở quá khứ, hiện tại, tương lai. Ba pho tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, mang những tướng tốt được thể hiện ra ngoài như đỉnh đầu có gờ thịt nổi cao, tóc xoắn ốc.

          Lớp tượng thứ hai gồm A Di Đà tiếp dẫn ngồi giữa, Quan Thế Âm đứng bên phải, Đại Thế Chí đứng bên trái, ý nghĩa của lớp tượng này là cứu vớt chúng sinh khỏi kiếp luân hồi, khổ ải về với thế giới tây phương cực lạc.

          Lớp tượng thứ ba gồm tượng Quan âm ngồi trên tòa sen ở giữa, hai bên là hai vị thị giả. Theo giáo lý đạo phật kể rằng Quan Thế âm là một người chân tu đắc đạo xong không lên niết bàn mà ở lại thế gian để cứu khổ, cứu nạn cho tất cả con người, giúp cho chúng sinh khỏi vòng luân hồi khổ não.

          Lớp tượng thứ tư gồm Thích Ca Cửu Long đứng trước và ở giữa, phía trên là Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, phía dưới là Phạm Thiên, Đế Thích, ý nghĩa của lớp tượng này thế giới sa bà (trần gian) hân hoan đón chào đức phật ra đời.

Sát tường hồi phía bên trái tòa tiền đường có một ban thờ đặt trên bia đá tạc tượng phù điêu bằng đá. Đó là tượng ông Lê Công và hai bà vợ của ông. Đối diện phía bên trái là tượng Thánh Tăng.

Nhà tổ nằm phía bên phải chùa chính. Đó là ngôi nhà năm gian xây kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”, mái lợp ngói ta. Nhà tổ có ba bệ thờ, bệ bên trái đặt một pho tượng tổ ngồi trong tư thế thiền định, bên phải đặt ảnh thờ sư tổ và những đồ thờ tự.

Nhà mẫu xây một ban thờ bằng gạch khá cao trên có ba pho tượng Tam Tòa Thánh Mẫu.

Trải qua một thời kỳ dài lịch sử dân tộc, lại bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề nhưng hiện tại chùa Linh ứng còn bảo lưu được một khối lượng di vật phong phú có giá trị bao gồm 32 pho tượng phật đều được tạo tác vào thời Lê -Nguyễn. Tượng ở đây kích thước không lớn song được làm khá đẹp, chau chuốt tỉ mỉ. Một số pho điển hình mang tính nghệ thuật cao như ba pho Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Quan Âm. Một pho tượng tổ được tạc trong tư thế thiền định, nét mặt phúc hậu đầy đặn, tai to và chảy dài, các nếp áo cà sa buông rủ mềm mại. Tượng mang các nét nghệ thuật thời Nguyễn. Ba tấm bia đá một tấm bia không có tên, trán bia trang trí hình mặt trời, hoa dây, bia dựng năm thứ nhất niên hiệu Dương Đức (1672); hai tấm bia hậu phật đều có kích thước 0,33 x 0,50 m, bia dựng ngày lành tháng chín niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Hai quả chuông đồng, một quả đúc năm Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), một quả đúc ngày 11 tháng 4 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1843). Ngoài ra còn có một số đồ thờ tự khác như bát hương sứ, chân đèn, lọ cắm hoa….

Giá trị nổi trội của di tích được thể hiện qua nội dung lịch sử, khối kiến trúc vật chất hiện còn cùng sưu tập di vật văn hóa trong chùa. Chùa Linh ứng được Bộ Văn hóa –Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Linh-Ứng-Đa-Tốn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua linh ung (thuan ton) da ton.docx”]

Hits: 479

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *