CHÙA LINH QUANG

Chùa Linh Quang được xây dựng ở đầu làng Công Đình, xã Đình Xuyên. Công Đình xưa vốn là vùng đất cổ có sông Thiên Đức từ dòng nhánh của sông Nhị Hà chảy qua.

Hiện nay trong chùa còn lưu giữ được một tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng 7 (1746) triều Lê có đề “…Từng nghe Phật là đấng chí linh tối huyền tối diệu…con người ta trưởng thành vốn nhờ cửa phật mà sinh tộc lớn, phúc ẩm tiền nhân…”.

Chùa có lịch sử xây dựng từ khá sớm. Căn cứ vào tấm bia sớm nhất của chùa có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 (1746) và tấm sắc phong cho thần Cây Gạo Đại Vương có niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) có thể khẳng định được rằng chùa Linh Quang được xây dựng vào thời Lê.

Chùa quay hướng Tây, kết cấu theo hình chữ đinh, gồm tiền đường và thượng điện. Bao quanh chùa là sân và vườn với nhiều cây cảnh, cây thông nhỏ cùng với các nếp nhà ngang dọc như nhà tổ, nhà mẫu.

Chùa chính được xây dựng trên một nền cao, mái lợp ngói ta, giữa bờ nóc đắp một bức đại tự đề ba chữ “Linh Quang Tự”.

Toà tiền đường gồm năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, ba gian giữa làm cửa bức bàn, hai gian bên xây tường bao trổ cửa sổ. Kiến trúc các bộ vì kèo theo kiểu thượng rường hạ kẻ và thượng rường hạ bẩy, chủ yếu bào trơn đóng bén, bào trơn kẻ soi ở các cạnh. Trang trí được tập trung trên các đầu bẩy, đầu các con rường, xà với đề tài văn xoắn lớn, hoa lá, yếu tố tự nhiên biểu hiện cầu nguồn nước.

Thượng điện gồm ba gian, một gian chung với tiền đường. Vì kèo làm kiểu trụ chốn kẻ nách, trang trí được tập trung trên cốn mê, ở gian ngăn cách giữa tiền đường và hậu cung đề tài văn triện, phượng vũ, rồng, văn xoắn lớn.

Chùa Linh Quang hiện nay còn lưu giữ được khá nhiều tượng phật và đáng quan tâm hơn cả là bộ tượng Tam Thế biểu hiện sự trường tồn vĩnh hằng của các đức Phật trong thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Tượng đầu kết tóc kiểu bụt ốc, đỉnh đầu là khối nhục kháo nổi cao biểu hiện quý tướng mang tư chất thông minh sáng láng của đức Phật. Tượng có khuôn mặt tự nhiên gần gũi, phảng phất bộ mặt nữ, má xị, mắt khép hờ nhìn xuống soi rọi nội tâm, sống mũi thẳng, miệng thoáng nụ cười tự nhiên, thông cảm cứu độ chúng sinh, tượng mặc áo cà sa mềm mại vắt qua vai, yếm chảy thành hình vòng cung trước ngực (mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII). Tượng ngồi trên toà sen với ba lớp cánh, riêng với pho tượng bên trái đài sen được thể hiện theo thể kép.

Pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhỡn là pho tượng đựơc tạo tác đẹp nhất của chùa, gồm 12 đôi tay biểu hiện pháp lực vô biên của đức Quan Âm. Tượng đội mũ, mỗi cánh mũ đều trang trí hình một đức phật ngồi thiền. Trên đỉnh đầu có một tấm che đặt trước búi tóc cuốn lên đỉnh. Hình thức này kết hợp với chạm nổi khối ở thiên quan đã khiến ta nghĩ tới sự kế thừa gần gũi cùng loại tượng thế kỷ XVI-XVII. Nét mặt tượng vẫn tuân thủ theo nguyên tắc tượng phật song gần gũi với bộ mặt nữ hơn và ít nhiều gần gũi với đời thường.

Nổi bật ở toà Tiền Đường là hai pho tượng khuyến thiện, trừng ác. Đỉnh đầu tượng đội một biểu tượng uy quyền tương tự như lưỡi mác kim khôi bao quanh đầu tượng được chạm nổi hình mặt trời, hoa cúc. Sau đầu là dải khăn chạy sang hai bên theo kiểu chạm bong, thủng, vòng chảy xuống vai, áp sát thân đến bụng rồi lại chạy riêng theo kiểu chạm bong thủng để lượn buông xuống mặt bệ. Tượng mặc áo giáp võ tướng, cánh tay áo bó chẽn, vạt áo ở khuỷu tay vênh hẳn ra. Trên thân áo được trang trí dầy đặc những khối u tròn, văn xoắn, hoa lá, thể hiện sức mạnh đầy uy quyền của võ tướng. Ngoài ra, các pho tượng Ngọc Hoàng, tượng Cửu Long cũng là những pho tượng đẹp của chùa.

Phía sau hậu cung của chùa chính là nhà mẫu gồm năm gian với sáu bộ vì kèo kết cấu theo kiểu thượng rường hạ bẩy trang trí chủ yếu là vân xoắn, hoa lá lớn chạm nổi trên các con rường, đầu bẩy. Riêng gian giữa làm theo kiểu thượng rường hạ kẻ. Đồ thờ tập trung chủ yếu ở ba gian giữa. Đáng quan tâm ở đây là ban thờ Tam Toà Thánh Mẫu ở giữa. Cả ba pho tượng mẫu đều dưới dạng nữ chúa, đầu đội vành kim khôi, mặt đôn hậu, áo mặc theo cách thông thường của người quyền thế. Ban thờ phía tay phải thờ bà chúa Thượng Ngàn, bên trái ban thờ hậu.

Nhà tổ gồm năm gian kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo làm kiểu thượng rường hạ kẻ chủ yếu bào trơn đóng bén. Các đồ thờ để chủ yếu ở hai gian giữa.

Tại chùa còn lưu giữ được một quả chuông đúc vào ngày lành tháng đầu mùa thu năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 triều Nguyễn (tháng 7 năm 1824); năm tấm bia cổ thời Lê cùng nhiều đồ tế tự khác như bát hương, lộc bình, cây nến….

Chùa Linh Quang được Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao ra quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1992.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Linh-Quang-Đình-Xuyên.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua linh quang dinh xuyen.docx”]

Hits: 1541

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *