CHÙA HẠ

Chùa Hạ có tên chữ là Hiển Quang tự, thuộc thôn Hạ, xã Dương Hà được khởi dựng khoảng cuối thời Lê, là một ngôi chùa có quy mô lớn của phủ Từ Sơn xưa, nằm giữa trung tâm khu vực cư trú của làng.

Chùa đã qua nhiều lần di chuyển và trùng tu sửa chữa. Tuy quy mô xưa không còn, các vết tích xưa cũng không được lưu lại nhưng những công trình kiến trúc hiện còn vẫn bảo lưu được nét kiến trúc truyền thống mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Chùa thôn Hạ nằm trong vùng đất cổ có bề dầy truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, cách trung tâm phật giáo Luy Lâu không xa. Tiếng vang của chùa lan rộng khắp xứ Kinh Bắc, Thăng Long nên đã được nhiều quan lại ở chốn kinh kỳ và địa phương góp công của để tu sửa cho di tích ngày một khang trang hơn. Bởi thế ngoài thờ phật ngôi chùa thôn Hạ còn thờ “hậu phật” là những người có công xây dựng chùa. Tấm bia niên hiệu Gia Long thứ 3 (1804) ghi công đức của người bản thôn trong việc tu sửa lại chùa và ghi việc bầu hậu phật khẳng định chùa Hiển Quang được xây dựng vào cuối thời Lê.

Do điều kiện địa hình gần sông nước nên chùa Hạ còn thờ mẫu Thoải. Sự tích về mẫu Thoải có nhiều dị bản khác nhau. Mẫu Thoải là con Lạc Long Quân, được giao quản lý sông biển ở nước Nam và đóng dinh ở sông Nguyệt Đức. Một bà là Thủy Trinh Động Đình Ngọc Nữ công chúa, một bà là Hoàng Hà đoan khiết phu nhân. Bà thứ 3 là Tam Giang công chúa. Các bà đều trông coi sông biển, làm mưa và âm phù cho các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Đời Lê Thánh Tông khi kéo quân đánh giặc phương Nam, thuyền nhà vua vừa gặp cuồng phong, các bà sai tướng giúp dẹp yên gió và vị tướng ấy được vua phong là Nguyệt Nga công chúa. mẫu Thoải được thờ ở nhiều nơi và lễ bà vào các ngày sóc và vọng. Ngoài ra chùa Hiển Quang còn thờ các sư tổ đã viên tịch tại chùa này.

Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, chùa Hiển Quang được xây dựng ở bên kia sông Đuống (bờ Nam). Thời vua Tự Đức cho khai sông làm lòng sông rộng ra, dân làng đã phải chuyển lui vào và chuyển luôn cả chùa. Vào triều vua Thành Thái, dòng sông Đuống lại tiếp tục mở rộng, 70 mẫu đất của dân làng bị lở xuống sông, dân làng lại một lần nữa chuyển chùa vào vị trí hiện nay (sát chân đê). Mỗi lần di chuyển chùa là một lần sửa chữa lớn.

Chùa Hiển Quang được xây dựng liền với đình tạo thành một trung tâm tín ngưỡng của làng. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài và qua nhiều lần di chuyển, trùng tu sửa chữa lớn dưới triều Nguyễn nên dấu tích của ngôi chùa cổ đã bị mai một. Kiến trúc chùa hiện nay là sản phẩm của những lần tu sửa vào triều Nguyễn và một số kiến trúc hiện tại của thế kỷ XX. Từ năm 2005 đến 2009, nhân dân và sư trụ trì đã hưng tâm công đức xây dựng cổng tam quan, xây mới nhà tổ, tôn tạo nhà mẫu, xây tường bao quanh làm cho di tích ngày càng khang trang.

Mặt bằng tổng thể của chùa Hiển Quang hiện nay gồm cổng vào chùa, sân vườn, chùa chính, nhà thờ tổ, thờ mẫu và các khu phụ. Chùa chính được làm theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện. Nhà tiền đường gồm năm gian được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền lát gạch hoa. Hai đầu tường hồi hiên xây hai trụ biểu lồng đèn, không trang trí. Bộ khung đỡ mái có sáu vì kèo, các vì kèo đều làm kiểu “Thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ chuyền” và “quá giang gối tường”. Các cấu kiện giá chiêng chạm hoa lá, số còn lại bào trơn và trang trí đường soi chỉ. Hai đầu gian giữa ghi dòng chữ hán “Nhâm ngọ niên tự trọng xuân nguyệt niên thất”. Hai gian đầu hồi sát tường hậu, xây bệ gạch trên đặt tượng Đức Ông và tượng Đức Thánh Hiền. Đầu hồi bên phải từ trong ra xây bệ đặt tượng Quan Âm địa tạng.

Thượng điện gồm ba gian nối với nhà tiền đường. Tượng của chùa được bài trí thành năm lớp. Nơi cao nhất của tòa phật điện là bộ tượng Tam Thế thường trụ diệu pháp thân. Tiếp đến là bộ tượng A Di Đà tam tôn. Lớp thứ 3 là tượng Quan Âm chuẩn đề ở giữa và Kim Đồng, Ngọc Nữ ở hai bên. Lớp thứ 4 là tượng Di Lặc. Lớp thứ 5 là tòa Cửu long và phật Thích Ca sơ sinh ở giữa, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu.

Nhà mẫu nằm ở phía sau tòa thượng điện và cách một khoảng sân hẹp. Các vì kèo làm kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Hai vì hồi làm thống nhất theo kiểu cốn mê. Trên mặt cốn mê trang trí đơn giản. Nhà thờ tổ nằm song song với thượng điện và cách tòa nhà này một khoảng sân gạch.

Trang trí trên kiến trúc của chùa có niên đại vào thế kỷ XIX, các cấu kiện gỗ phần lớn được bào soi, kẻ chỉ. Quá giang, kẻ, các con rường chạm nổi văn thực vật với các họa tiết đơn giản, nét chạm sâu mềm mại tạo sự thanh thoát cho kiến trúc gỗ. Nét nổi bật trong di tích là điêu khác nghệ thuật được thể hiện trong hệ thống tượng tròn.

Tượng Tam Thế được đặt ở vị trí trên cùng, trang trọng nhất của Phật điện. Bộ tượng này có kích thước trung bình, dáng cân đối theo bố cục hình tháp, vững chãi có tính chất chuẩn mực. Mặt thanh đầu nở, tóc xoắn ốc thành hàng ngang. Đỉnh nổi cao một khối u tròn trơn được gọi là “nhục kháo”. Tai tượng dài, sống mũi thẳng, mắt khép hờ nhìn xuống.

Tượng Quan Âm chuẩn đề ở thế ngồi thiền trên bệ vuông, đầu đội mũ tỳ lư, trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt. Toàn bộ tượng và bệ tượng được phủ sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Tượng A Di Đà có kích thước tương đối lớn hơn các pho tượng khác, được tạc theo phong cách thế kỷ XVIII. XIX.

Tượng Di Lặc được thể hiện trong tư thế sinh động. Tượng ngồi theo tư thế hơi ngửa ra phía sau, chân trái đặt nằm co lại, chân phải hơi chống chếch lên. Tay phải úp lên đầu gối, tay trái nằm hờ đặt ngửa lên đùi.

Tòa Cửu Long và phật Thích Ca sơ sinh tạc bằng gỗ, trên vành tòa Cửu Long điểm xuyết một hệ thống tượng phật như một tòa phật điện thu nhỏ. Phật Thích ca sơ sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Toàn bộ tượng phủ sơn son thiếp vàng thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX.

Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu đặt ở hai bên tòa Cửu Long, tượng ngồi trên bục, đội mũ nhị cấp, có hình mặt trời ở chính giữa. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Hệ thống tượng tròn trong di tích tuy không nhiều nhưng có giá trị nghệ thuật cao. Các pho tượng này được tạo tạc công phu, hoàn chỉnh, mỗi nhân vật đều được khắc họa bằng những nét đặc trưng riêng để nhấn mạnh, tính cách, lai lịch.

Hệ thống di vật thành văn hiện còn lưu lại di tích như văn bia, hoành phi, câu đối vừa mang giá trị nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX vừa là nguồn sử liệu quý góp phần nghiên cứu tìm hiểu về phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó còn một lư hương có niên đại từ thời hậu Lê.

Chùa Hiển Quang là nơi bảo lưu và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, một nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh không thể thiếu. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Chùa Hiển Quang được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích năm 2003.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Hạ-Dương-Hà.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua hien quang duong ha.docx”]

Hits: 471

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *