CHÙA DƯƠNG QUANG

Nằm trong vùng đất cổ có bề dày về lich sử, cách trung tâm Phật giáo Luy Lâu không xa nên chùa Dương Quang (thôn Thượng – xã Dương Hà) được xây dựng từ sớm.

Niên đại xây dựng cụ thể của di tích không còn tài liệu nào ghi chép lại nhưng qua hệ thống văn bia hiện còn lưu giữ tại chùa chúng ta có thể xác định niên đại khởi dựng ngôi chùa vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII. Tấm bia “Bia trùng tu Dương Quang tự hậu phật bia ký” dựng ngày lành tháng 12 năm Chính Hòa thứ 18 (1679) ghi việc chùa Dương Quang được trùng tu, mở rộng hai dãy nhà thiêu hương và thượng điện để làm nơi thờ phụng. Cùng năm đó, tấm bia “Nhất hưng công đức tân báo bi ký Vĩnh Thùy” dựng ngày 8 tháng 12 năm Chính Hòa thứ 18 ghi việc có ông Đỗ Tướng Công, vợ là Ngô Thị đã bỏ tiền của nhà ra mua gỗ lim và gạch ngói để làm một dãy nhà thiêu hương và tiền đường làm nơi thờ phụng, lại cúng ba sào ruộng ở các xứ đồng để làm ruộng oản giúp việc cúng dưỡng làm đẹp cảnh chùa. Hai năm sau dân làng lại cùng với sư trụ trì chùa góp công, góp của tu sửa và hưng công làm ba pho tượng, lại ra sức phục dịch trồng các loại cây cối trong chùa. Công việc này cũng được ghi lại trên tấm bia Vĩnh Truyền bia ký dựng ngày 19 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 20 (1699).

Những năm sau đó, chùa Dương Quang còn được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Qua mỗi lần trùng tu, sửa chữa, người xưa thường ghi lại trên tấm bia hậu để lưu truyền mãi mãi. Kiến trúc hiện tại của ngôi chùa mang dấu ấn của lần tu sửa thời Nguyễn.

Chùa Dương Quang là một di tích văn hóa lịch sử, gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư làng xã truyền thống được tạo dựng trên một khu đất rộng, thoáng mát bên cạnh đình Thượng, tách biệt với khu cư trú của làng. Chùa quay theo hướng Nam.  Các công trình kiến trúc nằm gọn trong một khuôn viên khép kín bởi lũy tre xanh bao bọc và các vườn cây hoa quả bốn mùa xanh tốt, tạo không gian tĩnh mịch nơi cửa thiền. Mặt bằng tổng thể kiến trúc hiện còn gồm: tam quan, sân vườn, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà thờ tổ, nhà mẫu, nhà khách.

Tam quan xây gạch kiểu hai trụ biểu, phía trên đỉnh trụ đắp trái giành, hai bên biểu trụ làm giả hai cổng phụ.

Chùa chính có kết cấu hình chữ đinh gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện

Tiền đường là một dãy nhà ngang năm gian hai dĩ rộng, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta, giữa bờ nóc đắp hình đại tự, giữa có hình mặt trời, phía trước hai hiên hồi xây một khoảng tường 1,2m, ngoài cùng xây hai trụ biểu vuông kiểu lồng đèn, hai mặt thân trụ khắc câu đối bằng chữ hán cổ.

Nhà có hiên rộng, ứng với năm khoảng hoành, đỡ mái là hệ thống vì cong ăn mộng cột hiên, thân kẻ chạm nổi văn sóng nước, rồng. Nền nhà cao hơn so với mặt sân, mặt trước mở hệ thống của bức bàn. Bộ khung nhà gồm sáu bộ vì làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, ba hàng chân, hai vì giữa có đầu rồng đỡ câu đầu, vì nách bốn gian giữa làm kiểu chồng rường, hai vì nách hai bên thân rường chạm nổi văn thực vật.

Đỡ mái hạ của hai vì hồi là kẻ cong ăn mộng qua cột cái, cột quân. Gian bên xây ban thờ Đức Ông – Đức Thánh Tăng và hai pho tượng Khuyến Thiện, Trừng ác. Hồi phải là ban Quan âm địa tạng, sát hai hồi là hai dãy bia đá của chùa.

Nhà thiêu hương nối với gian giữa tiền đường, hai bên khoảng cách giữa xà thượng và xà hạ đặt hai ô trang trí đề tài tứ quý.

Thượng điện là nhà ba gian dọc nối liền với nhà thiêu hương, nhà có bốn vì gỗ làm kiểu giá chiêng chồng rường hai hàng chân. Hai vì ngoài, vì nách làm kiểu cốn, trang trí rồng cách điệu. Lòng nhà xây bệ gạch cao dần từ ngoài vào làm nơi bài trí hệ thống tượng phật.

Ở vị trí trang trọng nhất là ba pho tượng Tam Thế (thường trụ diện pháp thân).

Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn: Đức Adi đà ngồi giữa, hai bên là hai vị bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.

Lớp thứ ba là tượng Quan Âm chuẩn đề, hai bên là Văn Thù và Phổ Hiền

Lớp thứ tư là tượng Di Lặc ngồi giữa, hai bên là Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Trường.

Lớp thứ năm, ở giữa là tòa Cửu Long, hai bên là tượng Phạm Thiên, ĐếThích.

Nhà thờ tổ nằm ở bên vườn phía trái chùa chính, gồm ba gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh, gian giữa xây bệ, trên đặt bốn pho tượng tổ.

Nhà thờ mẫu xây gạch kiểu chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế là nếp nhà năm gian, bộ khung nhà bằng gỗ có bốn vì làm kiểu chồng rường. Hai vì hồi làm kiểu cốn chồng, trên mặt các con rường trang trí chạm nổi đậm đặc các họa tiết văn hoa lá cách điệu, tạo cảm giác nhẹ nhàng cho không gian kiến trúc bên trong. Hậu cung cũng chia năm gian, bốn bộ vì kèo làm kiểu chồng rường giá chiêng, lòng nhà xây bệ gạch ở các gian làm nơi đặt tượng thờ.

Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, đến nay chùa Dương Quang còn bảo lưu được khối lượng di vật khá phong phú, đa dạng mang giá trị thẩm mỹ cao bao gồm một chuông đồng niên đại Quang Trung bát niên(1800), một pho tượng Thích Ca bằng đồng, bốn bát hương đồng, 21 tấm bia đá có niên đại tạo dựng trải dài từ thời Lê, Tây Sơn đến Nguyễn, một hương án gỗ có trang trí chạm nổi, chạm thủng, chạm bong kênh các hình rồng, cánh sen, văn triện, hoa văn hình học, bốn chân làm kiểu chân quỳ, chạm rồng, diềm dưới trang trí chạm nổi các hình vân mây đao mác xoắn, diềm trên cùng trang trí hoa văn cánh sen mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, ba bức hoành phi sơn son thiếp vàng, một câu đối gỗ, bẩy chân nến, sáu mâm bồng sơn son, hai bức tranh gỗ sơn son trang trí tứ quý, 24 pho tượng phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII- XIX, một tòa Cửu Long thiếp vàng thế kỷ XIX, bốn pho tượng tổ và nhiều pho tượng mẫu trong đó có hai động sơn trang cùng nhiều đồ thờ tự khác.

Nổi bật là những pho tượng A Di Đà, tượng Quan Âm Nam Hải và tượng Di Lặc. Tượng A Di Đà ngồi trên tòa sen ba lớp cánh, tóc búi ốc chín lớp, giữa đỉnh nổi khối nhục kháo, mặt trái xoan, trán rộng, mày cong, mắt khép hờ, mũi dọc dừa, tôi tai chảy dài ngang cằm, cổ ba ngấn, ngực hở lộ rõ chữ vạn, vẻ mặt hiền từ phúc hậu, ngồi ở tư thế thiền định.

Tượng Quan Âm Nam Hải ngồi trên tòa sen ba lớp, các cánh sen to, mập. Đầu tượng đội mũ tì lư, mắt khép hờ, nũi dọc dừa, mặt trái xoan, đôi tai chảy dài ngang cằm, cổ cao ngấn, mặc áo cà sa phủ khăn thơm, ngực để hở, hai tay kết ấn trước ngực, mỗi bên sườn lại có thêm 10 tay phụ.

Tượng Di Lặc ngồi trên tòa sen ba lớp, các cánh sen mập, giữa các cánh sen chạm nổi, cúc mãn khai. Tượng ngồi trên tư thế thoải mái nét mặt tươi cười hoan hỉ. Toàn bộ các pho tượng và bệ sen được phủ sơn son thiếp vàng lộng lẫy mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX. Các pho tượng được tạo tác công phu, tỷ mỷ. Đây là những tiêu bản quý giá góp phần tìm hiểu nghệ thuật tạc tượng, đúc tượng trong lịch sử dân tộc. Nguồn tư liệu thành văn gồm 21 tấm bia đá, 2 cây hương đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối là những tài liệu lịch sử quý có giá trị trong việc nghiên cứu tìm hiểu về nhiều thời kỳ lịch sử sôi động như Lê Trung Hưng, Quang Trung…và nhiều phong tục tập quán của nhân dân xã Dương Hà nói riêng mà còn là nơi hội tụ truyền thống của cộng đồng dân cư người Việt.

Tồn tại đến ngày nay, Chùa Dương Quang chứa đựng nhiều giá trị lịch sử khác nhau trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Cùng với đình Thượng, đình Trung, đình Hạ, chùa Hiển Quang, chùa Hạ tạo thành một quần thể di tích tôn giáo truyền thống trên địa danh một vùng quê cổ. Chùa Dương Quang có quy mô kiến trúc bề thế, có cảnh quan thiên nhiên đẹp hiện đang được chính quyền và nhân dân địa phương bảo quản khá tốt. Để bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích chính quyền xã Dương Hà đã thành lập các tiểu ban di tích và thực hiện sự quản lý di tích theo hướng dẫn của ngành dọc cấp trên.

Chùa Dương Quang đã được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2003.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Dương-Quang-Dương-Hà.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua duong quang (duong ha).docx”]

Hits: 406

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *