CHÙA ĐẠI BI

Chùa Đại Bi thuộc xóm 8 thôn Ninh Giàng- xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa còn được gọi Chùa Ninh Giàng hay chùa xóm 8 nằm trên vùng đất lịch sử văn hóa phong phú các đặc trưng của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và gắn với lịch sử dân tộc.

Chùa Đại Bi được tạo dựng ở thế đắc địa, có không gian khoáng đạt u minh, trên một gò đất cao hình con rùa chầu xuống ao, trước kia còn có một gò đất trước đầu rùa. Cho đến đầu thế kỷ XX này, dần dần bên cạnh dân ở thành xóm làng.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì chùa đã bị cháy vào ngày 22 tháng 9 năm Mậu Dần, nhưng ngay sau đó nhân dân địa phương đã phát tâm công đức cùng với cụ Kỷ người bản xã tu ở đây góp công xây dựng chùa theo đúng dáng vẻ cũ. Căn cứ vào các di vật hiện còn, đặc biệt giá trị là sưu tập phù điêu đá dưới dạng bia hậu, hiện gắn ở tường hậu thượng điện, một mặt ốp vào tường, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Điều này đủ cho ta khẳng định chùa được xây dựng từ sớm và là ngôi chùa khá lớn.

Bia “Thiên đài” ghi công đức năm Chính Hoà thứ 25 (1691) và chuông Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cho ta rõ hơn về lịch sử xây dựng và trùng tu chùa. Có lẽ gần đây nhất và còn khá nguyên vẹn kết quả lần trùng tu vào năm 1939 hiện còn ghi bằng chữ Hán trên thượng lương thượng điện: Hoàng triều Bảo đại thập tứ niên. Tuế thứ kỷ mão ngũ nguyệt, nhị thập lục nhật thượng lương đại cát.(Cất nóc ngày lành 26 tháng 5 năm Kỷ Mão niên hiệu Bảo Đại thứ 14( 1939).

Dấu ấn của từng thời đại thể hiện trên các công trình văn hóa là tôn giáo tín ngưỡng đã nói lên giá trị tồn tại và phát triển của ngôi chùa cổ Việt Nam nói chung và chùa Đại Bi thôn Ninh Giàng nói riêng. Chùa Đại Bi được dựng lên để thờ Phật. Từ “Đại Bi” đã nêu được triết lý chủ đạo của đạo phật là đại từ đại bi, khuyên răn con người hướng tới điều thiện, gạt trừ điều ác. Chính nơi đây đã hội tụ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa trong luân lý và tình bác ái giữa con người.

Chùa Đại Bi hay chùa Ninh Giàng được xây dựng trên mảnh đất có bề dày lịch sử, với địa danh gốc là Ninh Giang, một trong những cái nôi văn hóa ven sông Thiên Đức mà đến thế kỷ XVII, các ngôi đình đền miếu trong vùng được lập nên để thờ các danh nhân trong chính sử còn ghi: thờ Nguyễn Nộn ở đình Ninh Giang, Thờ Lý Nhũ Thái Lão ở Điếm Kiều xóm 6 có sắc phong là “dược sư thần linh”, quận công từ vũ Nguyễn Thọ Tràng ở xóm 5, có đình Hiệp Phù thờ thần Bạch Sam và vợ là Lý Nương Nương tương truyền đã cùng Thánh Gióng đánh giặc. Đặc biệt trước đây có dinh Thiết Lâm là nơi ở của bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ công chúa Lê Ngọc Hân.

Chùa Đại Bi có không gian cảnh quan tương đối đẹp. Trước kia, chùa nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát, quy mô kiến trúc lớn hoàn chỉnh gồm tam quan hai tầng tám mái, có gác chuông, có bia đặt ở tam quan. Chùa có bố cục nội công ngoại quốc, có hành lang thờ Bát bộ kim cương. Chùa quay hướng Nam ghé Tây, phía Bắc giáp đường cái của xóm, phía Tây đường nhỏ vào chùa.

Tam quan cũ đã xây kín thành tường bao, hiện nay vào chùa và lên tam bảo bằng lối đi bên phải hồi chùa. Trước cửa tam bảo là sân gạch nhỏ đặt những di vật quý như nhất trụ bằng đá niên đại 1690, bia đá. Từ sân bước lên là cửa tam bảo đã được cải tạo lại gồm ba ô cửa bốn cánh, phần hiên đã được xây bao tường gạch.

Trên đỉnh mái tiền đường, chính giữa là phù điêu hình tượng mặt trời, hai bên có phù điêu phượng và đầu kìm là phù điêu rồng. Đây là những phù điêu biểu tượng cho các linh vật trong tích tứ linh. Đầu đao cách điệu theo dạng cá chép hoá rồng, mái lợp bằng ngói mũi hài. Trên bốn trụ biểu gắn tại mặt tiền là hai câu đối đắp bằng xi măng.

Toà tam bảo có bố cục mặt bằng tương đối đặc biệt. Tòa tiền đường gồm một gian hai chái, nối với thượng điện bằng ống muống và được bao xung quanh bằng dãy hành lang. Người thợ xưa đã khéo dựng lên một ngôi chùa trên đó có đầy đủ các thành phần kiến trúc của một ngôi chùa điển hình gồm: tiền đường, thiêu hương, thượng điện và dãy hành lang chạy xung quanh, nhà tổ, nhà khách. Kết cấu của tòa tiền đường và thượng điện tương đối đơn giản. Bốn cột đao nóc được đỡ bằng các kẻ góc liền bẩy ăn góc thẳng từ bốn cột cái gian giữa qua cột quân và cột hiên. Tiền đường kiểu kèo mái có trụ, vì nách kẻ ngồi. Vì nách nối với tiền đường là cốn mê chạm rồng chầu. Phần hành lang được nối với các vì chính của tiền đường, thiêu hương, thượng điện bằng các kẻ ngồi, xà nách hạ với các kẻ truyền làm bẩy vào cột quân, cột hiên tạo thành phần mái khá rộng với các góc đao dài và vươn xa, tạo cảm giác ở phần góc đao bay kéo cao làm mái nhẹ đi khá nhiều.

Dọc hai bên tường của chùa có các bức cốn chạm hình hoa dây và rồng. Bức cốn trái và phải bên hàng cột thứ nhất thượng điện là hai hình rồng chạm nổi khác nhau với hình rồng chầu mặt trời và rồng cuốn thuỷ. Hình rồng chầu mặt trời có nét chạm tỷ mỉ chau chuốt, điểm vào hoa lá sen. Hình rồng cuốn thủy hình khối khỏe khoắn hơn, mắt lồi dữ tợn, tóc bay thành đao lửa, tất cả được người thợ làm nổi trên nền gỗ sơn đen. Bộ vì gian giữa kiểu vì kèo chồng rường giá chiêng, chạm hình hoa lá, các đầu kê khắc hình chữ triện.

Bài trí tượng phật tại thượng điện gồm bốn lớp:

Lớp thứ nhất: Ba pho tượng Tam Thế biểu trưng cho ba thế giới phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, cao 80cm toạ trên toà sen cao 25 cm.

Lớp thứ hai: ở giữa là A Di Đà Tam tôn, cao 1,3m hai bên tả hữu là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí bồ tát.

Lớp thứ ba: Tượng Thích Ca Niêm Hoa ngồi kiết già trên toà sen ba lớp cánh, cao 60 cm.

Lớp thứ tư: ở giữa là tượng vua cha Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu.

Thượng điện là trung tâm bài trí thờ cúng với 25 pho tượng tròn sơn son thiếp vàng. Nổi bật là những pho tượng Phật Tam Thế, A Di Đà, Niêm Hoa, hai thị giả Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát, tất cả đều được làm bằng đất nung, sơn sơn thiếp vàng lộng lẫy.

Dọc hai bên thượng điện là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương được tạo tác như một thể thống nhất, mỗi vị một tư thế. Sát tường hậu thượng điện và tường hồi bên phải có năm tượng Hậu dạng phù điêu đá, đây là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu thế kỷ XVII.

Tại tiền đường, bên phải phía trong là tượng Đức Thánh Hiền, đối diện bên trái là tượng Đức Ông ngồi trên long ngai cao 1,1m. Hai hồi toà tiền đường là tượng Quan Âm toạ sơn và Quan Âm Thị Kính. Tượng Quan Âm Thị Kính và Quan Âm tọa sơn đều mang nét chân dung nữ, áo cà sa màu vàng nhiều nếp.

Nhà thờ tổ là kiến trúc gỗ cổ truyền gồm năm gian. Các bộ vì được tạo tác công phu chau chuốt, các đấu kê con chồng tạo thành mây lá và con triện. Hai câu đầu gian giữa viết chữ hán. Ba gian giữa là nơi thờ mẫu chúa Sơn Trang và thờ Tổ. Trung tâm là một khám thờ mẫu (áo đỏ) và hai thị giả (thường chỉ thờ Mẫu Thượng Ngàn riêng). Tượng mẫu được đặt trong khám gỗ trang trọng trên bệ cao. Gian bên trái là ban Sơn Trang gồm tượng chúa Sơn Lâm và 12 cô gái Sơn Trang, tất cả làm bằng đất nung. Gian bên phải thờ các đức Phật Tổ.

Qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian và đặc biệt là lần bị cháy, các di vật đã bị tổn thất tuy vậy chùa Đại Bi vẫn giữ được những di vật quý gồm: năm tượng hậu bằng đá dạng phù điêu nổi hình những người được gửi hậu. Sáu bia đá nhỏ trong đó có một bia ghi công đức, trán bia trang trí diềm hoa cúc mai cách điệu mặt trời; một cột trụ đá thiên đài (1691); một số tượng đất, một chiếc chuông đồng cao 75 cm, đường kính 50 cm quai 25 cm, với bốn chữ “Đại Bi tự chung”, niên hiệu Hoàng triều Cảnh Thịnh (1800) cùng ba bức hoành phi và bẩy đôi câu đối.

Chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật vào ngày 27/9/1997.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Đại-Bi-Ninh-Hiệp.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua bai bi (ninh giang) ninh hiep.docx”]

Hits: 381

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *